Mobifone đã rục rịch từ lâu, nhưng vẫn chưa có lộ trình cổ phần hoá chính thức.

Mobifone đã rục rịch từ lâu, nhưng vẫn chưa có lộ trình cổ phần hoá chính thức.

Cổ phần hoá các "đại gia" không đơn giản

(ĐTCK-online) Việc tạo hàng cho TTCK, nhất là những cổ phiếu có chất lượng, đang gặp khó khăn do tiến trình cổ phần hoá DNNN đang khá ì ạch. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là tiến trình này bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn khi "đụng" đến các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, những DN mà theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, với cơ chế hiện hành không dễ thực hiện cổ phần hóa.

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2007/NĐ-CP về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đang được Bộ Tài chính tiến hành, có tính đến việc ban hành cơ chế đặc thù khi cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn. Những chính sách đặc thù cần có này, theo ông là gì?

Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế trong suốt một thời gian dài, việc cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước trên thực tế là khá phức tạp. Nó không đơn thuần là xé lẻ hay giảm đầu tư vào các DN này. Nếu không tính toán kỹ lưỡng, không những khó nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn sau cổ phần hóa, mà sẽ tác động bất lợi đến nền kinh tế. Tuy nhiên, có một kinh nghiệm thực tiễn quý báu về cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn là việc hoàn tất cổ phần hóa Tập đoàn Bảo Việt. Có thể nói, đến nay việc cổ phần hóa tập đoàn này đã diễn ra khá thành công với phương thức là cổ phần hóa từ "tổng hành dinh" - công ty mẹ đến các công ty con. Nếu tiến hành đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng kinh nghiệm cổ phần hóa tại Bảo Việt, chắc chắn sẽ gợi mở nhiều chính sách cho việc cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn trong thời gian tới.

 

Chính phủ vừa có chủ trương thành lập các tập đoàn đa sở hữu, mà trước tiên là sẽ thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam theo mô hình này. Theo ông, đây có phải là một hướng đi mới trong cổ phần hóa DNNN?

Bản chất của việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN nói chung, đặc biệt là các tổng công ty, tập đoàn, là đảm bảo cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi vậy, có nhiều cách đạt mục tiêu này và hình thức đa sở hữu các tập đoàn cũng là một hướng đi. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các DNNN lớn khá phức tạp, nên không thể nôn nóng làm trong một sớm một chiều.

 

Trong khi chờ "may xong chiếc áo pháp lý" cho cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, theo ông, cần có những biện pháp nào để đảm bảo các DN này hoạt động hiệu quả?

Nhiều nỗ lực đã được triển khai trong thời gian qua với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng kết quả mang lại chưa như mong muốn. Để cải thiện tình trạng trạng này, ngay trong năm 2010, một việc rất quan trọng mà các cơ quan quản lý cần tập trung triển khai là tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, nhằm đảm bảo chúng hoạt động tuân thủ nguyên tắc thị trường. Kèm theo đó, các cơ quan quản lý cũng cần đưa ra lộ trình chống độc quyền rõ ràng tại các DN này. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, minh bạch việc phân bổ các nguồn lực đầu tư như: đất đai, tài chính… cho các tổng công ty, tập đoàn, để hạn chế tình trạng được ưu ái nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng. Chỉ khi việc phân bổ các nguồn lực này cho các tổng công ty, tập đoàn tuân theo nguyên tắc thị trường, thì mới hy vọng cải thiện tình trạng hoạt động kém hiệu quả hiện nay.

Ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để tìm hướng đi cho cổ phần hóa các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, câu hỏi đầu tiên cần trả lời là liệu các DN này đã đủ lớn, đủ mạnh để có thể chuyển sang hoạt động hiệu quả theo mô hình DN cổ phần, hay vẫn cần sự tài trợ của Nhà nước thì mới tồn tại được. Trong quá trình sắp xếp, cơ cấu các DN lớn này, phải rất chú ý tách bạch chức năng quyền điều hành chính sách và điều hành kinh doanh của Nhà nước, để tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Nếu không đạt được yêu cầu đó, sẽ khó thu hút các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, vì họ nhận thấy sẽ gặp nhiều rủi ro với mô hình hoạt động như vậy.

Ông Trần Đình Thiên

Ông Trần Đình Thiên