Công nghiệp ngoài quốc doanh dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng

(ĐTCK-online)Sản xuất công nghiệp tháng 7 tại hầu hết các địa phương và ngành hàng đều bằng và vượt mức tháng trước, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng cao từ đầu năm đến nay.

Các chỉ số thống kê cho thấy, tại tất cả 15 địa bàn công nghiệp lớn của cả nước, sản xuất công nghiệp tháng 7 đều vượt cao hơn tháng trước, trong đó có một số địa phương tăng khá cao, như TP.HCM (tăng 3,4%); Hà Nội (tăng 3%); Đà Nẵng (tăng 14,2%); Vĩnh Phúc, Hải Dương, Khánh Hoà (đều tăng 6 - 7%)... Tính chung, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 7 năm 2007 tăng 18,7% so với tháng 7 năm 2006. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước trong 7 tháng đầu năm ước đạt 325.940 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 1994), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức tăng 16,5% của 7 tháng đầu năm 2006.

Một đặc điểm của tình hình sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay là, công nghiệp ngoài nhà nước (NQD) đã vươn lên dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Trong khi giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 18,9% và công nghiệp nhà nước chỉ tăng 9,7%, thì công nghiệp NQD tăng 20,4%.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 trong số 29 ngành hàng có giá trị lớn bị giảm sút, đó là sản lượng dầu mỏ khai thác giảm 8,6% và sản lượng khí hoá lỏng (LPG) giảm 7,4%. Trong khi đó, có những ngành hàng tăng đột biến, như sản lượng ô tô lắp ráp tăng 67,2%, điều hoà nhiệt độ tăng 56,9%, máy công cụ tăng 48,7%, xe máy tăng 29,2%, động cơ điện tăng 29,7%, các mặt hàng tủ lạnh - tủ đá, quạt điện, máy biến thế, bia... tăng từ 20% đến hơn 25%.

Tuy nhiên, trên bản đồ công nghiệp, có 7 trong số 15 địa bàn công nghiệp trọng điểm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, đó là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ, nhưng trong số này, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước chỉ có 4 đơn vị là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương và Đồng Nai. Trong số còn lại, đáng chú ý là TP.HCM, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm nay chỉ tăng 12,3%, thấp hơn so với mức tăng 13,5% của cùng kỳ năm ngoái; tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2007 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu nêu trên cho thấy, sự phát triển công nghiệp từ đầu năm đến nay diễn ra không đồng đều và ít địa phương tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sự chững lại của công nghiệp TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đang là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp 7 tháng đầu năm nay đã tăng chậm lại đáng kể so với cùng kỳ năm trước (19,6% so 25,7%), chủ yếu do giảm sút của sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM - nơi thường chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của cả nước. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp, cần nâng cao hơn nữa tốc độ tăng trưởng công nghiệp, trước hết, cần cải thiện một cách cơ bản năng lực sản xuất công nghiệp tại các trung tâm lớn như TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.