CPI tháng 9 tăng cao, có bất thường?

CPI tháng 9 tăng cao, có bất thường?

(ĐTCK) Tháng 9/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 2,2% so với tháng trước. Dấu hiệu CPI tăng cao trở lại, trong đó có nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng giá mạnh, theo nhiều ý kiến, đang tạo thêm sức ép cho DN vốn đang chịu nhiều khó khăn.

CPI tháng 9 tăng cao, có bất thường? ảnh 1

Giá xăng dầu là một trong những “thủ phạm” khiến CPI tháng 9 cao bất thường

 

Bất thường CPI Hà Nội?

Nhìn nhận về mức tăng CPI của Hà Nội trong tháng 9/2012, TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, tuy chịu tác động nhiều từ giá xăng dầu, giá gas, học phí… tăng, nhưng CPI tăng tới 2,47% là không bình thường. Bởi trước đó, theo nhiều dự báo, CPI Hà Nội trong tháng 9 tăng cao lắm cũng chỉ tương đương như mức tăng của CPI TP. HCM. Điều này phát đi tín hiệu đáng lo ngại về nguy cơ lạm phát đang quay trở lại, trong khi tình trạng đình đốn của nền kinh tế chưa qua.

“Một khi tình trạng trên xảy ra, cơ quan quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn khi đưa ra chính sách để ứng phó. Lý do là bởi nếu kiềm chế lạm phát với liều lượng không hợp lý, sẽ khiến nền kinh tế đình đốn, tồn kho tăng. Ngược lại, nếu tiếp tục nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng kinh tế, mà lơ là kiểm soát lạm phát, thì sẽ đẩy lạm phát tăng cao”, ông Long cảnh báo.

Có quan điểm ngược lại, ông Công Xuân Mùi, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội nhận xét, CPI tháng 9 của Hà Nội tăng cao, nhưng không bất thường. Học phí, giá xăng dầu và giá gas tăng dồn dập là 3 lý do chính khiến CPI tăng cao. Bởi vậy, diễn biến lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn trong tầm kiểm soát.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9 của cả nước tăng 2,2% so với tháng 8 và sức ép tăng CPI những tháng còn lại là rất lớn. Hà Nội và TP. HCM chưa áp dụng biểu phí viện phí mới, nhưng trong tháng 9 này CPI đã tăng đáng lo ngại, nhất là đối với Hà Nội. Sắp tới, khi các địa phương này triển khai tăng viện phí, thì sẽ gia tăng sức ép tới CPI.

“Trong tháng 9, theo số liệu báo cáo mà Tổng cục Thống kê nhận được của các địa phương đã áp dụng biểu phí viện phí mới, thì có tỉnh CPI tháng 9/2012 tăng tới 7%. Ngoài yếu tố viện phí tăng, còn do sự cộng hưởng của học phí, giá xăng dầu, giá gas tăng”, ông Thắng chia sẻ, đồng thời phân tích, giá xăng dầu tăng ngoài lý do thực hiện theo lộ trình giá thị trường, còn chịu sức ép rất lớn từ biến động giá thế giới. Nghĩa là, có những mặt hàng tăng giá do bất khả kháng. Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, nếu chủ quan không tập trung kiểm soát lạm phát hiệu quả, thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kiềm chế lạm phát ở mức 7 - 8% trong năm nay.

 

Doanh nghiệp: khó càng thêm khó

Trong khi tình trạng đình đốn của nền kinh tế chưa qua, việc lạm phát có dấu hiệu tăng cao trở lại, theo các DN, đang tác động tiêu cực “kép” đến hoạt động của họ.

Ông Dương Đức Vĩ, người công bố thông tin của CTCP Viglacera Đông Triều (DTC) cho biết, Công ty đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho rất cao. Điều này vừa làm tăng chi phí tài chính, vừa khiến DTC phải hoạt động cầm chừng.

“Thực tế, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua đã làm cho chi phí đầu vào của DTC tăng đáng kể. Không chỉ vậy, với đặc thù của một DN sản xuất vật liệu xây dựng, giá xăng dầu tăng còn khiến DTC đối mặt với một khó khăn khác, đó là tăng chi phí vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ”, ông Vĩ nói.

Phó tổng giám đốc một DN ngành dược cũng có quan ngại tương tự khi cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng hàng tồn kho của công ty chưa được cải thiện bao nhiêu. Cũng như nhiều DN khác, công ty đang kỳ vọng lạm phát duy trì ở mức thấp, để từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động từ 9%/năm hiện tại về 8%/năm. Điều này giúp DN có cơ hội được vay vốn tín dụng với lãi suất 11 - 12%/năm, thay vì mức 14 - 15%/năm hiện nay.

“Với tình trạng hàng tồn kho cao như hiện nay, DN không có cách gì có thể mang lại lợi nhuận để đủ trả lãi ngân hàng, chứ nói gì tích lũy. Bởi vậy, giải pháp quan trọng lúc này là Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên gỡ khó cho cộng đồng DN. Trong đó, quan trọng nhất là sớm khơi thông đầu ra vốn bị tắc nghẽn gần cả năm nay”, đại diện DN ngành dược nêu trên nói.

Ông Long nhìn nhận, CPI tăng có tác động hai mặt đến DN, nhưng mặt tiêu cực nhiều hơn. Ở khía cạnh tích cực, giá cả tăng khiến DN có cơ hội tăng giá bán hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy kiệt, sức mua giảm, thì tăng giá không khéo sẽ càng khiến cho DN khó thoát khỏi tình trạng tồn kho kéo dài. Ở chiều tiêu cực thì quá rõ, bởi lạm phát cao khiến chi phí đầu vào tăng, làm cho DN đang khó càng thêm khó.

“Trong bối cảnh như vậy, một mặt Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, mặt khác ưu tiên giải tỏa hàng tồn kho, hỗ trợ DN khôi phục hoạt động”, ông Long khuyến nghị.