Đã đến thời điểm nới biên độ tỷ giá?

Đã đến thời điểm nới biên độ tỷ giá?

(ĐTCK-online) Cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn chưa lấy lại được trạng thái cân bằng, điều này thể hiện rõ ở việc các ngân hàng luôn niêm yết tỷ giá của mình ở mức trần (+1%) so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc nới rộng biên độ tỷ giá rộng hơn mức +/-1% hiện nay để tỷ giá giao dịch được linh hoạt hơn đã bắt đầu được các chuyên gia tài chính đề cập đến.

Mặc dù vậy, cũng có những ý kiến quan ngại rằng, nếu biên độ tiếp tục mở rộng có thể dẫn đến những tác động ngoài ý muốn, đặc biệt khi tâm lý lo ngại tỷ giá tiếp tục tăng còn hiện hữu.

Để phản ánh sát hơn tình hình cung - cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, khắc phục tình trạng găm giữ ngoại tệ, NHNN vừa quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 16.139 VND/USD lên mức 16.461 VND/USD. Biên độ giao dịch được phép trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức ±1%. Tức là các ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối sẽ được phép niêm yết tỷ giá mua, bán USD/VND trong khoảng 16.296 - 16.626 VND/USD. NHNN cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện can thiệp để đảm bảo thanh khoản cho thị trường.

Theo đánh giá của một cán bộ ngành ngân hàng, việc NHNN nới rộng biên độ tỷ giá vừa qua đã phản ánh sát thực cung cầu ngoại tệ và diễn biến của thị trường, giúp việc việc mua bán USD của các ngân hàng thương mại đỡ bị áp lực hơn.

Trùng với nhận định này, ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, mặc dù biên độ dao dộng tỷ giá vẫn ở mức +/-1%, nhưng động thái tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ ngày 10 - 11/6 thêm 2% được hiểu rằng là biện pháp nhằm đưa tỷ giá chính thức tiệm cận gần hơn với tỷ giá thực tế trên thị trường.

"Theo tôi, các biện pháp tiếp theo về việc điều hành theo hướng tăng thêm sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới nhằm giảm bớt áp lực thâm hụt thương mại", ông Tai Hui nhận định. "Mặc dù vậy, cần phải lưu ý rằng, bất cứ một sự điều chỉnh tỷ giá theo hướng tăng nào cần phải tiến hành từ từ và hợp lý, nếu không sẽ gây ra sự phản ứng quá thái trên thị trường và mọi người có xu hướng không muốn giữ đồng nội tệ nữa", ông Tai Hui nói.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank), rất khó để dự đoán diễn biến của tỷ giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, tỷ giá khó có thể tăng cao. Nguyên nhân, tỷ giá hối đoái của Việt Nam hiện được kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu NHNN tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá ở mức lớn cũng đồng nghĩa với việc thả nổi đồng Việt Nam . Tuy nhiên, đối với người dân Việt Nam và kể cả hệ thống ngân hàng cũng chưa sẵn sàng để đón nhận việc này. Hiện cả người dân và doanh nghiệp đang lo ngại đến xu hướng tỷ giá còn tăng.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN đã phản ánh sát với diễn biến của thị trường. Tỷ giá đã có những bước nhảy lên - xuống, phản ánh sát cung, cầu về ngoại tệ. Tuy nhiên, vị tổng giám đốc trên cho rằng, nên giữ biên độ ở một mức nhất định. Có như vậy, tỷ giá mới dần ổn định trở lại và cung - cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ được cân bằng nhau. Lãi suất cơ bản tiền đồng tăng lên 14%/năm, các ngân hàng đang đua nhau điều chỉnh lãi suất đầu vào làm tăng thêm sức hấp dẫn của VND nhiều hơn USD. Hiện lãi suất tiền gửi USD chưa bằng phân nửa so với tiền đồng.

Trong lộ trình của mình, NHNN đã có những bước tiến thận trọng nhằm nới lỏng dần sự kiểm soát tỷ giá thông qua việc mở rộng biên độ dao động, các ngân hàng thương mại được phép áp dụng tỷ giá giao dịch trong một "khu vực" rộng hơn so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố. Theo đó, tỷ giá sẽ được phản ánh sát hơn với nhu cầu giao dịch thực tế trên thị trường.

Sau một vài lần điều chỉnh, biên độ dao động tỷ giá đang là +/-1% và việc nới lỏng biên độ này đã được đề cập đến từ khá lâu. Hiện tại, yêu cầu này tiếp tục được nhắc tới, nhưng việc mở rộng biên độ vào thời điểm nào và mở rộng lên bao nhiêu, 3%, 4% hay 5% như được đề cập thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.