Những nhà đầu tư cá nhân thiếu thông tin là nạn nhân lớn nhất của hiện tượng làm giá - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Những nhà đầu tư cá nhân thiếu thông tin là nạn nhân lớn nhất của hiện tượng làm giá - Ảnh minh họa: Hoài Nam

“Điểm huyệt” CTCK để “dập dịch” làm giá

(ĐTCK-online) Với việc khởi tố điều tra hình sự đối với ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) cùng các đối tượng liên quan, lần đầu tiên TTCK ghi nhận hành vi thao túng giá chứng khoán bị khởi tố hình sự.

>> Toàn cảnh vụ DVD

>> Sẽ làm rõ nhiều “nghi án” làm giá cổ phiếu

Động thái này mang lại hy vọng sẽ tạo ra sức răn đe, qua đó giảm thiểu được “dịch” làm giá trên TTCK. Kỳ vọng này đang được tiếp sức khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có kế hoạch trao quyền nhiều hơn cho các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký (TTLK) để tăng cường các biện pháp giám sát thị trường, đặc biệt là giám sát hoạt động của các CTCK nhằm chủ động phát hiện những giao dịch bất thường.

 

Trao quyền giám sát

Diễn biến trên thị trường cho thấy, các “nghi án” làm giá gần đây có dấu hiệu “dính dáng” ít nhiều đến các CTCK. Tuy nhiên, theo một chuyên gia của UBCK, để đủ bằng chứng kết luận một CTCK cụ thể tham gia làm giá là khá phức tạp, bởi không riêng gì NĐT, mà ngay cả các CTCK cũng mở nhiều tài khoản ở các CTCK khác nhau để thực hiện giao dịch.

Vẫn theo chuyên gia này, với quy trình giám sát giao dịch hiện tại, việc phát hiện các giao dịch bất thường ban đầu đều trông chờ vào Sở GDCK. Trên cơ sở tiếp nhận thông tin từ Sở GDCK, Vụ Giám sát thị trường (UBCK) sẽ đi sâu tìm hiểu, đánh giá chi tiết vụ việc. Trong trường hợp phát hiện vụ việc có tình tiết phức tạp, thì hồ sơ sẽ được chuyển cho Thanh tra UBCK thụ lý giải quyết. Trên cơ sở kết quả thanh tra, UBCK sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoặc chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng và có nhiều tình tiết phức tạp.

Ở vị trí trung gian của thị trường, các CTCK có điều kiện nắm bắt các “bài” thao túng giá, nên dẫn đến hai nguy cơ: trực tiếp hoặc cấu kết với NĐT để thực hiện thao túng giá. Bởi vậy, để ngăn chặn nguy cơ CTCK “châm ngòi” các vụ làm giá, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK cho biết, trong các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sắp được ban hành, UBCK chú trọng trao thêm quyền giám sát, đặc biệt là giám sát hoạt động CTCK cho các Sở GDCK, TTLK, bởi đây là những “bộ lọc” đầu tiên phát hiện các giao dịch bất thường. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho nâng cấp hệ thống công nghệ, cũng như hoàn thiện quy trình giám sát, để nhanh chóng “lọc” ra các giao dịch bất thường: một hoặc một nhóm tài khoản thường xuyên giao dịch một hoặc vài cổ phiếu trong khoảng thời gian cụ thể, với một mức giá nhất định… Trên cơ sở đó kết hợp với các nguồn thông tin khác để phân loại ra những giao dịch làm căn cứ để tiến hành các biện pháp giám sát sâu hơn, nhằm xử lý nhanh các vụ vi phạm.

Ông Hùng cho biết thêm, UBCK sẽ trao tính tự chủ cao hơn cho Sở GDCK, TTLK trong việc đưa ra biện pháp quản lý các CTCK theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn. Điều này giúp Sở GDCK, TTLK chủ động hơn trong thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho đấu tranh ngăn chặn các vụ thao túng giá.

 

Phạt nặng CTCK

Cùng với việc sớm cho phép TTCK triển khai các sản phẩm mới như: giao dịch T+2, mở nhiều tài khoản, mua bán cùng phiên… để giúp chủ động giảm thiểu các hành vi thao túng giá, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam cho rằng, cần tăng mức xử phạt đối với các hành vi thao túng giá chứng khoán quy định trong Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung.

Kèm theo đó, Nghị định cũng cần quy trách nhiệm cụ thể đối với các CTCK trong việc phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn vấn nạn làm giá, bởi thực thi hiệu quả việc này sẽ đạt lợi ích kép: vừa giảm thiểu được nguy cơ các CTCK trực tiếp thực hiện thao túng giá, vừa ngăn ngừa họ cấu kết với NĐT làm giá.

Với tư cách là người “chơi chính”, CTCK có nhiều thông tin sớm nhất về các giao dịch bất thường, nên khi làm rõ trách nhiệm của các CTCK trong chia sẻ thông tin giao dịch đáng ngờ với cơ quan chức năng sẽ giúp cho quá trình phát hiện, điều tra, xử lý các vụ làm giá nhanh gọn, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, theo ông Hải, đã đến lúc UBCK không nên “nuông chiều” các CTCK khi họ mắc sai phạm. Muốn vậy, ngoài các hình thức xử lý hiện nay, UBCK nên có quy định khi phát hiện CTCK chủ động tiến hành thao túng giá, hoặc có hành vi cấu kết với NĐT tiến hành thao túng giá, thì có thể rút các chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán của nhân viên sai phạm, cũng như của tổng giám đốc CTCK.

Nếu “giơ cao đánh khẽ” đối với các hành vi sai phạm của CTCK, nhất là hành vi làm giá chứng khoán bị phát hiện, thì sẽ làm xói mòn niềm tin của NĐT vào thị trường.