Doanh nghiệp thờ ơ với xếp hạng

Doanh nghiệp thờ ơ với xếp hạng

Chưa có phản hồi nào từ các doanh nghiệp niêm yết được xếp hạng trong Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam năm 2011 vừa được công bố tuần trước.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Phó trưởng bộ môn Phân tích Chính sách Tài chính (Học viện Tài chính), Trưởng nhóm Phân tích Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp của Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam năm 2011 cho rằng, với một thị trường có quy mô nhỏ và thanh khoản thấp như thị trường chứng khoán Việt Nam, rủi ro đối với nhà đầu tư là rất lớn.

Với thực tế thời gian qua liên tiếp có các biểu hiện không minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết được cơ quan chức năng công bố, như làm giá, chậm công bố hay công bố thông tin sai lệch…, ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, thì việc dư luận quan tâm tới xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp niêm yết là tất nhiên. Nhất là với các doanh nghiệp  có thứ hạng thấp hoạt động chưa hiệu quả, khả năng tự chủ tài chính thấp, có nguy cơ hoạt động thua lỗ, rủi ro tương đối cao (hạng B) hay năng lực quản lý yếu kém, không có khả năng trả nợ, rủi ro rất cao (hạng C).

Ngoài ra, bảng xếp hạng tín nhiệm này cũng được nhìn nhận là một trong các dấu hiệu giúp nhận diện được những cổ phiếu có biến động giá bất thường thông qua việc so sánh kết quả xếp hạng tín nhiệm với mức giá hiện tại.

CTCP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV), đơn vị cùng với Văn phòng Chủ tịch nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bảo trợ cho Báo cáo này cho hay, công ty nhận được khá nhiều đề nghị đặt mua ấn phẩm, nhưng chưa có phản hồi chính thức nào từ các ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết.

Điều này khác với lần phát hành đầu tiên (năm 2010), khi một số doanh nghiệp thuộc đối tượng được xếp hạng ngay lập tức lên tiếng phản ứng, bày tỏ sự không đồng tình với kết quả xếp hạng. Thậm chí, dư luận còn chỉ ra sự “vênh” nhau giữa xếp hạng của CRV và một báo cáo xếp hạng khác của Trung tâm Thông tin tín dụng (thuộc Ngân hàng Nhà nước).

Nhìn nhận vấn đề này, bà Lê Vân Anh, nhà đầu tư chứng khoán trên sàn HBBS cho rằng, năm 2011, thị trường chứng khoán quá ảm đạm, nhiều doanh nghiệp niêm yết bị thua lỗ, bị cơ quan chức năng đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, thậm chí là ngừng giao dịch. Nay những mã cổ phiếu ấy xuất hiện trong các đánh giá xếp hạng với mức thấp không còn là chuyện quá bất ngờ với giới đầu tư.

Đơn cử, trong Báo cáo công bố năm 2010, CTCP Hàng hải Sài Gòn được xếp hạng B với đánh giá là DN hoạt động chưa có hiệu quả, khả năng tự chủ tài chính thấp, có nguy cơ hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, rủi ro tương đối cao. Thực tế là, đến ngày 29/3/2011, cổ phiếu SHC của CTCP hàng hải Sài Gòn bị đưa vào diện kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp bị xếp vào nhóm có rủi ro khá cao khác cũng đã bị đưa vào diện cảnh báo do có kết quả kinh doanh thua lỗ, như ANV, MHC, VPK, TYA, VSG…

“Mặc dù các thực tế này chưa khẳng định báo cáo xếp hạng là sát, có độ chính xác cao hay đối tượng được đánh giá đã “kháng” xếp hạng, nhưng với thực tế hoạt động của doanh nghiệp từ cuối năm 2010 đến nay, dư luận cũng “quen” tai hơn với những đánh giá ít tích cực”, bà Vân Anh nhận định.

Tiến sĩ Hòa cũng cho biết, cá nhân ông chưa nhận được những phản hồi của doanh nghiệp có tên trong bảng xếp hạng song “sẵn sàng đón nhận những phản hồi”, để tập thể biên soạn Báo cáo có thể làm việc sát hơn những lần sau. Ông Hòa cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng thực tế hơn, thẳng thắn hơn khi tiếp cận các đánh giá.

“Năm nay, một số doanh nghiệp chủ động đề nghị được tham gia đánh giá, xếp hạng dù kết quả cuối cùng lại không được cao. Đó là tín hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp dũng cảm nhìn vào thực tế, với mục đích để biết họ đang ở đâu trên thị trường”, ông Hòa nói