Giải cơn “khát” vốn cho doanh nghiệp

Giải cơn “khát” vốn cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Nếu để tình trạng DN và ngân hàng không gặp được nhau kéo dài, thì không chỉ có thêm DN sẽ phải đối mặt với cái chết, mà bản thân các ngân hàng cũng khó sống…

Giải cơn “khát” vốn cho doanh nghiệp ảnh 1Hiện mức lãi suất cho vay thấp nhất đang áp dụng tại HDBank là 12,7%/năm

 Tuy lãi suất đang có chiều hướng giảm, nhưng DN vẫn rất khó tiếp cận được dòng vốn tín dụng. Ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo “Quản trị hiệu quả nguồn vốn - Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm” do HDBank tài trợ diễn ra ngày 8/6, phần nào hé mở biện pháp giải cơn “khát” vốn hiện nay.

Quá “khát” vốn

Tại Hội thảo do Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, kết quả điều tra do VCCI tiến hành trong tháng 4/2012 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp phải tiếp cận vốn với mức lãi suất cao từ 18%/năm trở lên còn rất lớn. Tình trạng này đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Không ít doanh nghiệp có sản phẩm và thị trường tốt, nhưng do thiếu vốn kinh doanh mà đành đứng nhìn cơ hội kinh doanh trôi qua trong tiếc nuối.

“Gần đây, lãi suất đã liên tục giảm. Thế nhưng, việc khó tiếp cận vốn vẫn đang là cản trở lớn nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp lúc này, bên cạnh khó khăn về hàng tồn kho và chi phí đầu vào vẫn tăng...”, bà Hằng nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, do bất ổn vĩ mô, lãi suất quá cao “neo” từ năm 2011 đến nay, mà số doanh nghiệp bị “chết oan” đang tăng lên đáng báo động. Doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, mà còn đẩy người lao động vào tình cảnh thất nghiệp, không có thu nhập. Để tháo gỡ khó khăn hiện tại của nền kinh tế, chứ không riêng gì cho doanh nghiệp, Chính phủ cần quyết liệt giải quyết sớm một mâu thuẫn lớn nhất hiện tại là trong khi ngân hàng thừa vốn, thì doanh nghiệp lại đang rất thiếu vốn, nhưng hai bên không thể gặp nhau do quan điểm xử lý nợ quá hạn, nợ xấu chưa cụ thể, thống nhất. Cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần năng động trong quá trình vượt khó, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại.

 “Nếu để tình trạng doanh nghiệp và ngân hàng không gặp được nhau kéo dài, thì không chỉ có thêm  doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cái chết, mà bản thân các ngân hàng cũng khó sống…”, ông Doanh cảnh báo.

 

Lời giải nào?

Để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những phản ứng chính sách liên tục. Trong đó, tập trung ban hành văn bản giảm trần lãi suất huy động; yêu cầu tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ; chỉ đạo giảm lãi vay đối với các khoản vay cũ, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Các giải pháp này cũng như một số chính sách mà Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị ban hành, sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới. Qua đó, thiết thực hỗ trợ các ngân hàng triển khai hoạt động cho vay hiệu quả hơn.

Xử lý nợ quá hạn thế nào để tiếp tục cho doanh nghiệp vay cũng đang là bài toán khó đối với các ngân hàng. Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank, chia sẻ, khi ngân hàng làm việc với các doanh nghiệp có nợ quá hạn, những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ và tìm phương án giải quyết có lợi cho cả đôi bên. Thế nhưng, không hiếm doanh nghiệp khi gặp khó khăn đã tìm cách tránh mặt ngân hàng, càng khiến cho việc xử lý nợ quá hạn thêm khó khăn. Điều này đẩy cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng vào thế bí. Muốn khắc phục tình trạng này, cả ngân hàng và doanh nghiệp cần thay đổi cách quản trị dòng vốn sao cho hiệu quả. Để tiếp cận được vốn chi phí thấp, một số doanh nghiệp, chẳng hạn như các doanh nghiệp bất động sản tìm cách lách luật để chuyển sang kinh doanh trong các lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp, nông thôn… là không lành mạnh, gây rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

 “Ngân hàng không ngại nới lỏng điều kiện cho vay, nhất là đối với những doanh nghiệp làm ăn minh bạch, trung thực chia sẻ khó khăn với ngân hàng để hai bên cùng tìm hướng giải quyết. Ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay đối với doanh nghiệp có hàng tồn kho có khả năng bán được…”, ông Long nói, đồng thời cho biết, cùng với các ngân hàng khác, HDBank đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn với mức lãi suất cho vay thấp nhất hiện đang áp dụng là 12,7%/năm.