Giảm 30% thuế TNDN, “muối bỏ bể…”

Giảm 30% thuế TNDN, “muối bỏ bể…”

(ĐTCK) Để thiết thực hỗ trợ DN, cần quyết liệt khắc phục nhanh 2 điểm nghẽn lớn nhất hiện tại của cả nền kinh tế, lẫn DN là hàng tồn kho và nợ xấu.

Giảm 30% thuế TNDN, “muối bỏ bể…” ảnh 1

Do tình hình kinh doanh quá khó khăn, thua lỗ triền miên từ đầu năm đến nay, nên theo cảm nhận của nhiều DN, việc giảm 30% thuế TNDN năm 2012, như quy định tại Nghị định 60/2012 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 29/2012 của Quốc hội về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, có hiệu lực từ ngày 20/9 tới, không hỗ trợ đáng kể cho DN.

Theo Nghị định 60/2012, số thuế TNDN được giảm 30% là số thuế tính tạm nộp hàng quý và số thuế còn lại phải nộp theo quyết toán thuế năm 2012. Đối tượng được giảm thuế là các DN nhỏ và vừa, trong đó không bao gồm các DN trong lĩnh vực xổ số, BĐS, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…; DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử… DN sử dụng nhiều lao động là có tổng số lao động sử dụng thường xuyên bình quân trong năm 2012 trên 300 người, không kể lao động có hợp đồng lao động ngắn hạn dưới 3 tháng. Trường hợp DN tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, thì số lao động làm căn cứ xác định công ty mẹ thuộc đối tượng giảm thuế không bao gồm số lao động của công ty con…

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam cho rằng, việc giảm 30% thuế TNDN chẳng khác gì “muối bỏ bể”, bởi đối tượng được thụ hưởng chính sách này không nhiều. Rất nhiều DN thuộc đối tượng được giảm thuế thì thua lỗ triền miên, nên việc giảm thuế không hỗ trợ nhiều cho DN trong việc vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động…

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Khiêm, Giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Vinavico cho rằng, ý nghĩa của quyết định giảm 30% thuế ít có tác động hỗ trợ lan tỏa tới cộng động DN. Điều này không chỉ bởi số DN thua lỗ hiện quá nhiều, mà còn bởi chính sách giảm thuế TNDN chủ yếu tập trung vào các DN vừa và nhỏ, trong khi phần lớn số DN này hoặc là lỗ triền miên, hoặc là đang phá sản, giải thể hàng loạt.

“Bởi vậy, trên thực tế quyết định giảm 30% thuế TNDN ngấm không đáng kể đến DN, chưa thực sự góp phần giải cứu DN, qua đó ngăn đà suy giảm của nền kinh tế như định hướng điều hành của Chính phủ…”, ông Khiêm nói.

Để thiết thực hỗ trợ DN, theo ông An, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt khắc phục nhanh 2 điểm nghẽn lớn nhất hiện tại của cả nền kinh tế, lẫn DN đã được Chính phủ chỉ ra tại phiên họp thường kỳ tháng 7, là hàng tồn kho và nợ xấu. Muốn giải tỏa 2 điểm nghẽn này, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ, UBND các tỉnh đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, tín dụng nhà nước theo đúng kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Đây là giải pháp then chốt để sớm gia tăng sức cầu cho nền kinh tế, qua đó mở ra cơ hội cho giải quyết hàng tồn kho, khôi phục sản xuất.

“Gắn liền với kích cầu nền kinh tế là NHNN cần quyết liệt giải quyết nợ xấu, để sớm khơi thông tín dụng chảy vào DN. Nếu vấn đề nóng bỏng này vẫn xử lý với tiến độ chậm như hiện tại, thì chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cũng như tiếp tục giảm thêm lãi suất từ nay đến cuối năm cũng không hỗ trợ đáng kể cho DN…”, ông An nói.

Theo các DN, trong khi tình cảnh hiện tại của họ là gần như… hết đường sống, thì các chính sách hỗ trợ vì nhiều lý do khác nhau mà hoặc là họ không thuộc diện đối tượng được thụ hưởng, hoặc được hưởng nhưng thực tế triển khai chậm trễ, nên chưa phát huy tác dụng hỗ trợ DN rõ rệt.