Minh bạch là yêu cầu quan trọng để nâng cao hoạt động của khối DNNN

Minh bạch là yêu cầu quan trọng để nâng cao hoạt động của khối DNNN

Khắc phục tình trạng "3 thiếu" của DNNN

(ĐTCK-online) Tái cấu trúc DNNN đang là chủ đề "nóng" được bàn thảo trước thềm Diễn đàn DN Việt Nam (CG/VBF) diễn ra ngày 2/12 tới. Tại hội thảo "Quản trị DNNN trong tái cấu trúc nền kinh tế", do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính Trung Quốc tổ chức chiều 29/11, các chuyên gia cho rằng, muốn tái cấu trúc DNNN hiệu quả thì cần khắc phục tình trạng "3 thiếu": thiếu minh bạch, thiếu giải trình và thiếu giám sát.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình trạng "3 thiếu" trên thể hiện rõ nét qua hiện trạng, các quy định về xử lý kỷ luật đối với thành viên HĐQT, tổng giám đốc và các chức danh lãnh đạo khác tại DNNN, điển hình là tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước rất lỏng lẻo, không có tính răn đe.

"Về cơ bản, họ không phải chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả hoạt động của DNNN, về thất bại dưới các hình thức và chỉ bị miễn nhiệm khi không còn khả năng làm việc, được hoặc bị điều động, chuyển sang công việc khác…", ông Cung nói.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Cung cho rằng, điều đầu tiên là cần thay đổi tư duy quản lý DNNN, định vị lại vai trò và trách nhiệm của DNNN trong nền kinh tế với hệ thống quy định rõ ràng và triển khai có hiệu quả trên thực tế. Trong đó, cần ưu tiên thiết lập quy định yêu cầu các TĐ, TCT minh bạch thông tin theo thông lệ quốc tế, buộc các cơ quan và cá nhân đại diện chủ sở hữu cũng như các bên liên quan chịu trách nhiệm giải trình về hiệu quả hoạt động của DNNN…

Nhiều kinh nghiệm đổi mới DNNN đã được các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại hội thảo. TS. Trần Tiểu Hồng, Trung tâm Nghiên cứu phát triển, Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng, thực tiễn cải cách DNNN tại Trung Quốc cho thấy, việc xây dựng một đầu mối đại diện cho vốn đầu tư nhà nước tại DN là cần thiết và thực tế, Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Đầu tư nhà nước từ năm 2003. Cơ quan này quản lý DNNN về chiến lược và đầu tư, trong đó xác định rõ nhiệm vụ và phương hướng hoạt động của DNNN; phê chuẩn chiến lược, sáp nhập, chia tách và quản lý tài sản. Đặc biệt, ủy ban này còn phê duyệt những khoản đầu tư lớn, phân phối lợi nhuận, điều động nhân sự… nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của DNNN. Với cách làm trên, Trung Quốc đã đẩy nhanh được tiến trình cổ phần hóa, giảm thiểu sự can thiệp của các cấp quản lý vào hoạt động của DN, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cổ đông.

Để làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, ông Sameer Goyal đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng chính sách rõ ràng về việc chỉ định thành viên hội đồng thành viên tại các DNNN, cũng như quy định về hoạt động đầu tư, cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cần tập trung vào cải thiện chất lượng quản trị theo hướng đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác; minh bạch thông tin hoạt động, nhất là về hiệu quả kinh doanh.

"Đặc biệt, cần có quy định làm rõ trách nhiệm giải trình của ban lãnh đạo DNNN về toàn bộ hoạt động của DN, nhất là khi DN làm ăn thua lỗ, đưa ra các quyết định đầu tư sai lầm. Kèm theo đó, cũng cần làm rõ ban lãnh đạo DN làm tốt đến mức độ nào thì được khen thưởng tương ứng ra sao và ngược lại, sẽ bị xử lý với các hình thức cụ thể…", ông Sameer khuyến cáo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, ý kiến của các chuyên gia sẽ được Bộ nghiên cứu và tiếp thu hợp lý trong quá trình xây dựng Đề án tái cấu trúc DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ vừa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án do Bộ trưởng làm Trưởng ban nhằm sớm đề xuất với Chính phủ các giải pháp tái cấu trúc DNNN về tài chính sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Hiếu nhìn nhận, hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN hiện còn thấp, trong khi quá trình đổi mới khối DN này diễn ra chưa như mong muốn. Bởi vậy, để khắc phục những hạn chế của DNNN, cần đẩy nhanh tái cấu trúc DNNN. Muốn vậy, nếu chỉ có sự nỗ lực của các cấp quản lý thôi chưa đủ, mà rất cần có vào cuộc của các DNNN, trong đo, đi đầu là các TĐ, TCT nhà nước. Ngay từ bây giờ, các DN này cần tự giác sắp xếp, tái cơ cấu trong nội bộ theo hướng tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý DNNN hiện hành, đặt hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu, lành mạnh hoá tài chính, nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế…