Khó có sự hứng khởi quá đà

Khó có sự hứng khởi quá đà

(ĐTCK-online) Diễn biến không ổn định của TTCK thế giới và Việt Nam bắt nguồn từ xu hướng hồi phục chưa ổn định của kinh tế vĩ mô. Trong những tháng cuối năm, nhà đầu tư cần chú ý đến những thông số gì của các nền kinh tế để có thể ra được quyết định chính xác, giảm thiểu thiệt hại và tối đa hóa lợi nhuận?

Hội thảo "Tình hình kinh tế thế giới và các tác động đến Việt Nam" do CTCK Dầu khí tổ chức ngày 10/8 sẽ phần nào đem đến câu trả lời qua phân tích của các chuyên gia kinh tế. ĐTCK giới thiệu góc nhìn của 4 diễn giả tham gia buổi hội thảo.

 

Ông Prasenjit K.Basu

Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Đầu tư Daiwa

Xuất khẩu của châu Á năm 2010 sẽ tăng mạnh nhất trong 20 năm qua do cầu nội bộ các nước đang phát triển kích thích cầu xuất khẩu của khu vực. Với các đơn đặt hàng tăng mạnh nửa đầu năm 2010, dự đoán xuất khẩu của châu Á vào Mỹ tính đến hết năm sẽ tăng 15 -20%, sau đó sẽ chậm lại vào đầu năm 2011. Trong năm nay, nhập khẩu của châu Á sẽ tăng nhanh hơn xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu trong nội bộ châu Á và đảm bảo khả năng tăng tốc mạnh mẽ của GDP thực tế. Tiêu thụ tư nhân Mỹ vẫn tiếp tục yếu từ 2011 - 2014, tuy nhiên sức tiêu thụ lớn ở các nước đang phát triển có thể thay thế đáng kể cho sự sút giảm tiêu thụ ở nước này.

Tỷ số giá trị vốn hóa thị trường trên GDP tại nhiều TTCK có xu hướng tiến về 1 và tỷ số này của các nước phát triển và đang phát triển không có khác biệt đáng kể. Giá trị vốn hóa thị trường của các nước đang phát triển tăng lên nhiều lần, tương tự như Nhật trong những năm 1951 - 1980. Nhà đầu tư cũng cần chú ý, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu Mỹ tăng hơn 5 lần trong thập kỷ qua và thị trường Mỹ đã xuống giá trong 8 năm kể từ tháng 8/2000 - tương tự như Nhật, cũng tăng giá trị vốn hóa 5 lần trong khoảng 1979 - 1989 và sau đó là một thị trường xuống giá kéo dài một thập kỷ cho tới cuối năm 1999.

 

Ông Shimizu Hiroki,

Kinh tế gia Ngân hàng Đầu tư Nikko Cordial:

Thời kỳ "đen tối" nhất gần như đã lùi lại đằng sau. Mặc dù còn nhiều lo ngại, nhưng sự hồi phục kinh tế đang được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và tài khóa thông thoáng hơn. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn còn lo ngại và tăng trưởng kinh tế chậm ở Mỹ trở thành một trong những mối lo ngại lớn. Thực tế, tại Mỹ, mức cầu từ doanh nghiệp tăng trưởng mạnh hơn, trong khi yếu đi từ các hộ gia đình, tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng không còn được hỗ trợ bởi việc điều chỉnh hàng hóa dự trữ, mà lại phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nhà ở trong ngắn hạn.

Chiến lược "hiện thực hoá lợi nhuận" áp dụng sớm ở các nền kinh tế phát triển sẽ là một trong những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

 

Ông Seiji Kawazoe

Kinh tế gia Ngân hàng Sumitomo

Chúng tôi cho rằng, nền kinh tế các nước châu Á tiếp tục tăng trưởng mạnh, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật có sức bật yếu hơn.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 theo dự báo của Ngân hàng châu Á (ADB), khu vực Đông Nam Á đạt 6,7%, Ấn Độ 8,2%, Trung Quốc 9,6%. Trong khi châu Âu chủ yếu hoạt động mậu dịch nội khối, trao đổi mậu dịch liên khu vực châu Á rất có thể sẽ tăng trong thời gian tới, xuất khẩu sang các nước châu Á đã tăng trong những năm gần đây.

Trước những diễn biến như vậy, Nhật đã và đang tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực. Các nhà xuất khẩu Nhật có lợi từ sự tăng trưởng mạnh của châu Á. So sánh giữa các nước Đông Nam Á, IMF cho biết, Việt Nam có tăng trưởng GDP thực cao nhất trong năm 2009 với 5,3%, Indonessi là 4,5%, Malaysia -1,7% và Thái Lan -2,3%. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư do nền chính trị ổn định, tiềm năng phát triển và nguồn nhân lực.

 

Ông Võ Trí Thành

Phó viện trưởng, Viện Quản lý kinh tế Trung ương

Kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ đã nhấn mạnh  mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không phải nhấn mạnh tới tăng trưởng mặc dù một số chỉ số đã có những cải thiện nhất định.

Với thông điệp như vậy, rõ ràng sẽ khó có thể kỳ vọng vào một sự hứng khởi quá đà ở những chính sách như tiền tệ, ngoại hối, xuất nhập khẩu. Ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tránh cho việc nền kinh tế có những trồi sụt lớn, dẫn tới chính sách điều hành buộc phải giật cục đối phó là hướng đi cần thiết trong thời điểm này.

Tuy vậy, để duy trì và cải tiến niềm tin của nhà đầu tư, của người dân, thông điệp về điều hành chính sách trong thời gian tới cần phải được chuyển tải một cách rõ ràng.