Nhiều cổ đông phản ứng khi Lafooco đặt kế hoạch kinh doanh không xứng với tiềm năng

Nhiều cổ đông phản ứng khi Lafooco đặt kế hoạch kinh doanh không xứng với tiềm năng

Lafooco “bẫy” cổ đông?

(ĐTCK-online) Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 50,19 tỷ đồng năm 2011, dự kiến ngay nửa đầu năm, CTCP Chế biến hàng xuất nhập khẩu Long An (Lafooco, mã LAF - sàn HOSE) sẽ vượt xa con số này. Trái với sự hồ hởi thường thấy, thông tin trên đang gây ra sự bất bình với nhiều cổ đông pháp nhân của Công ty.

Phản ứng trái chiều

Bộ phận Phân tích CTCK Âu Việt (AVS) phản ánh với ĐTCK, trong kỳ ĐHCĐ của Lafooco tháng 3 vừa qua, AVS đã chất vấn gay gắt về kế hoạch kinh doanh này. Theo AVS, Lafooco đã đề ra một kế hoạch kinh doanh quá an toàn, chỉ tiêu lợi nhuận chưa bằng phân nửa so với năm 2010. Chỉ với lợi thế thương mại của lượng hàng tồn kho giá rẻ chuyển sang từ năm 2010, AVS thấy Lafooco đã có thể gần hoàn thành kế hoạch năm!

Cũng chung bất bình này, bộ phận tự doanh của một CTCK khác đánh giá, Lafooco đã xây dựng kế hoạch kinh doanh quá thụ động. Vấn đề phía sau là chuyện lương, thưởng. Theo tài liệu đại hội, HĐQT Lafooco xây dựng phương án tiền lương "mềm". Cụ thể, nếu cuối năm nay, Lafooco hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhóm 1, ngoài quỹ lương cố định hơn 8 tỷ đồng, còn được hưởng thêm 30% lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch. CTCK này nhận định, vấn đề sở hữu cổ phần chính là "nút thắt" trong kế hoạch kinh doanh quá an toàn của Lafooco: hiện tại, ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc - người đại diện vốn của SCIC (nắm 23,03% cổ phần), chỉ sở hữu cá nhân 1,09%. Ngoài ra, các lãnh đạo chủ chốt khác sở hữu rất ít, chỉ từ 0,02 - 0,5% số cổ phần. CTCK này đặt câu hỏi, phải chăng Ban lãnh đạo Lafooco sở hữu ít cổ phần nên có phần hào phóng với kế hoạch tiền lương?

Thực tế, ngay khi Nghị quyết ĐHCĐ của Lafooco được công bố hồi tháng 3, trên diễn dàn Vietstock cũng đã diễn ra một cuộc tranh luận giữa các cổ đông về kế hoạch kinh doanh của DN này. Một số cổ đông có điều kiện đi dự họp lên án gay gắt kế hoạch kinh doanh và tiền lương của Công ty. Trái lại, một số NĐT khác không có điều kiện tham dự lại căn cứ theo Nghị quyết ĐHCĐ 2011 nêu ý kiến bênh vực, dù cũng thừa nhận chỉ tiêu lợi nhuận hơi thấp. Theo các ý kiến ôn hòa này, HĐQT và Ban kiểm soát được hưởng mức thưởng 2,5% lợi nhuận trước thuế, tối thiểu là 200 triệu đồng/năm là bình thường so với thông lệ.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, tài liệu ĐHCĐ 2010 của Lafooco đã căn cứ vào Nghị quyết số 2006/BB.ĐHCĐ.LAF ngày 24/3/2007. Theo đó, Điều 9 nghị quyết này nêu rõ: "ĐHCĐ đã biểu quyết 100% thống nhất thông qua việc ủy quyền cho HĐQT Công ty quyết định phương án lương của Lafooco hàng năm". Hiểm ở chỗ Nghị quyết ĐHCĐ 2010 của Lafooco hoàn toàn không đề cập gì đến con số 30% lợi nhuận vượt đã nói, thông tin quan trọng trên chỉ cổ đông nào đi dự họp mới được biết. Lật giở Nghị quyết ĐHCĐ 2006, vấn đề lương thưởng cũng đề cập, nhưng rất khác biệt so với quy định mới nhất: "Mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát từ năm 2007 trở đi là 3% tính trên lợi nhuận sau thuế" (Điều 8).

 

Lafooco có đúng luật?

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Hữu Phương, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Lafooco cho biết, ngay trong kỳ họp ĐHCĐ, vấn đề mà ĐTCK đề cập đã nóng lên trên bàn nghị sự với chất vấn đến từ nhiều CTCK. Theo ông Phương, kế hoạch kinh doanh thận trọng của Lafooco được đặt ra vào đầu năm trong bối cảnh giá hạt điều - lĩnh vực kinh doanh lõi của Công ty, diễn biến phức tạp. Qua nửa thời gian của niên độ tài chính năm 2011, tình hình kinh doanh khá khả quan. Sắp tới, Ban lãnh đạo Lafooco sẽ nhóm họp để bàn bạc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận hoặc đưa ra con số lợi nhuận ước tính năm 2011 để yên lòng các cổ đông.

Về con số tiền lương tính thêm trên 30% lợi nhuận vượt cho nhóm 1 (khoảng 200 CBCNV), ông Phương chia sẻ, lĩnh vực thu mua và chế biến hạt điều mang tính đặc thù, trong đó tính tự giác của người lao động sẽ quyết định trực tiếp tới chất lượng sản phẩm. Hiện tại, mạng lưới thu mua của Công ty trải rộng, rất khó quản lý trực tiếp, nên nếu không có giải pháp hợp lý, mỗi năm Lafooco có thể thất thoát hàng chục tỷ đồng. Mức tiền lương khởi điểm cho mỗi CBCNV trung bình hiện nay chỉ vào khoảng 3 triệu người/tháng, nếu gia tăng thêm sẽ là áp lực lớn cho Ban lãnh đạo. Để CBCNV có động cơ phấn đấu, Lafooco đã sử dụng tiền lương như một biện pháp đòn bẩy nhằm gắn bó trách nhiệm và phát huy hiệu quả kinh doanh.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, về nguyên tắc, chỉ ĐHCĐ mới có thể quyết định vấn đề phân phối lợi nhuận. Trong trường hợp của Lafooco, dù HĐQT được đại hội ủy quyền phê duyệt kế hoạch tiền lương hàng năm, nhưng việc vạch ra kế hoạch tiền lương tính trên số lợi nhuận vượt của một kế hoạch kinh doanh thấp là không hợp lý. Lẽ ra, khoản tiền lương phải được tính vào chi phí.

Còn theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Thẩm định và niêm yết Sở GDCK TP. HCM, theo các quy định hiện hành, vấn đề lương thưởng của HĐQT và Ban kiểm soát phải được phê chuẩn trong ĐHCĐ thường niên. Mỗi DN có các giai đoạn hưng thịnh khác nhau, nên trong vấn đề lương, thưởng không thể áp dụng nghị quyết ĐHCĐ năm này qua năm khác. Đứng trên góc độ cơ quan quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi các NĐT, nếu phát hiện ra các vi phạm, Sở sẽ yêu cầu DN phải giải trình thông tin.