Bài toán khó về đọc quyền của doanh nghiệp nhà nước cần thêm nhiều sự minh bạch, rõ ràng và coong khai...

Bài toán khó về đọc quyền của doanh nghiệp nhà nước cần thêm nhiều sự minh bạch, rõ ràng và coong khai...

Lại chuyện “cá lớn nuốt cá bé”

(ĐTCk-online)Hiện tượng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn bắt tay nhau “xí phần” những địa điểm, dự án đầu tư “ngon ăn” đang bắt đầu được các chuyên gia cảnh báo.

Nếu như lướt một vòng quanh các chiến lược phát triển ngành hoặc những địa điểm đầu tư “vàng”, dường như các kế hoạch đầu tư đều đã gắn với một vài tên tuổi danh tiếng nào đó. Cơ hội để cho nhà đầu tư mới tham gia ngày càng chật hẹp. Thậm chí, đã có những đề xuất không được chấp nhận với lý do không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, cho dù việc coi quy hoạch ngành là một thước đo cứng đã không còn được áp dụng vài năm trở lại đây.

Trong một cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư mới đây, sau hàng loạt đề nghị đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân, vị chủ tịch HĐQT một tập đoàn nhà nước lớn đã đột ngột đăng đàn để đưa ra khuyến cáo với các địa phương rằng, không nên để tâm quá nhiều tới các nhà đầu tư nhỏ và việc có quá nhiều dự án quy mô nhỏ đang gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của doanh nghiệp trong ngành cũng như môi trường chung. Và giải pháp tốt nhất mà ông này đưa ra là tập đoàn của ông sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư nhỏ để có được những dự án mà họ đang có…

Có lẽ, đây là một trong những phản ứng ít thấy từ phía tập đoàn lớn đối với các đối thủ nhỏ khác. Thường thì các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, nhà đầu tư tư nhân mới là những người cần phải “làm thân” với các “ông lớn” để có được sự hợp tác và chia phần bánh ngon. Có thể, trong trường hợp này, sự lơ là nhất thời của các tập đoàn lớn đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ hơn vượt mặt.

Tất nhiên, những dự án này chỉ là rất nhỏ so với những gì mà các doanh nghiệp nhà nước lớn luôn giành được. Hơn thế, việc mở rộng hoạt động của các tập đoàn theo hướng đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực... không chỉ đưa các tập đoàn kinh tế của Việt Nam trở thành một mô hình khép kín từ nghiên cứu, đầu tư, sản xuất đến lưu thông phân phối và xuất khẩu mà còn bành trướng rộng hơn thị phần nhỏ nhoi còn lại. Cũng cần phải nói thêm rằng, vào thời điểm hiện nay thì đa phần tập đoàn lớn vẫn chưa hoàn thành xong các kế hoạch cổ phần hoá. Và như vậy, vô hình trung, nhiều lĩnh vực vốn được xác định là dành nhiều hơn cho nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước vẫn tiếp tục ăn thâm vào nguồn vốn nhà nước thông qua phần vốn này trong các tập đoàn.

Thực ra, lời cảnh báo này đã từng được đưa ra từ trước khi xu thế tập đoàn hoá các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu lan rộng. Khi đó, cùng với những động thái gom một số đầu mối lớn vào trong mô hình tập đoàn nhà nước, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, đã lên tiếng lo ngại về mô hình khép kín trong hoạt động như vậy, nếu không kèm với cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động của những tập đoàn, hiệu quả thấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rất dễ có cơ hội xảy ra. Ngay cả yếu tố cổ phần trong mô hình này cũng đang cho thấy, những dấu hiệu bất ổn khi cơ chế minh bạch không được tuân thủ chặt chẽ.

Ở một khía cạnh khác, giới phân tích kinh tế vĩ mô cũng cho rằng, việc hoạch định cơ chế chính sách hiện nay cũng vô tình làm phức tạp hơn khả năng hạn chế những tồn tại của độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Một chuyên gia cho rằng, nếu như trong việc phân bổ vốn đầu tư cho các dự án lớn không tính tới phần vốn ngoài nhà nước, không làm rõ những lĩnh vực nào ưu tiên cho các nguồn vốn ngoài nhà nước thì sẽ rất khó tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân cả trong nước và nước ngoài tiếp cận với các dự án, kế hoạch đầu tư lớn.

Được biết, tới đây, cơ chế này sẽ được thay đổi theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi việc sẽ được giải toả. Và bài toán khó về độc quyền của doanh nghiệp nhà nước cần thêm nhiều sự minh bạch, rõ ràng và công khai khác…