Lợi nhuận quý III: Lượng và chất

Lợi nhuận quý III: Lượng và chất

(ĐTCK) Nếu chỉ quan tâm đến con số tuyệt đối về lợi nhuận, phần trăm tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ và quý trước là chưa đủ

Những con số...

Theo những thông tin được công bố, trong quý III/2008, CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) đạt lợi nhuận sau thuế gần 153 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Một công ty khác cùng ngành với SAM là Cáp điện Taya (TYA), trong quý III lợi nhuận tăng tới 358% so với quý II, đạt hơn 29 tỷ đồng. Đây là các con số ấn tượng khi lĩnh vực hoạt động chính của hai công ty đã qua thời kỳ bùng nổ. Năm 2008, bảo hiểm cùng với lĩnh vực tài chính - ngân hàng không được đánh giá cao về mức tăng trưởng, do các khó khăn khách quan. Tuy nhiên, trong quý III này, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) cũng đạt lợi nhuận ròng 108 tỷ đồng, tăng 170,8% so với quý II/2008.

Cũng gây ấn tượng mạnh là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), luỹ kế 9 tháng đầu năm HPG đã đạt 6.655 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 87% kế hoạch năm và đạt 1.082 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 146% kế hoạch năm 2008. Nhóm cổ phiếu ngành cao su cũng đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, các công ty như Cao su Tây Ninh và Cao su Đồng Phú kết thúc quý III đều hoàn thành 92 - 98% kế hoạch lợi nhuận năm 2008…

Chất hay lượng?

Nhiều công ty có danh mục đầu tư tài chính lớn đảo ngược tình thế trong quý III. Trong quý III, SAM đã hoàn nhập khoản trích dự phòng đầu tư tài chính lên tới 115,5 tỷ đồng, mang lại 152 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động này, giúp Công ty lãi luỹ kế trong 9 tháng hơn 87 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính của SAM lại giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng quý III đạt gần 14 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ (35,5 tỷ đồng). Tương tự, trong quý III, doanh thu thuần của TYA giảm 4,1% so với quý II, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 358,6%. Theo giải trình từ  TYA, nguyên nhân chủ yếu là do trong quý này, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, nên quý III Công ty được hoàn nhập trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá quý II chưa thực hiện. 

"Các công ty ngành thép hay cao su đã sớm hoặc sắp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, nhưng mức độ hoàn thành doanh thu đều thấp hơn mức độ hoàn thành lợi nhuận, điều này cho thấy, lợi nhuận có được là do các biến động thuận lợi từ thị trường mang lại", trưởng phòng phân tích của một CTCK nhận định. Thật vậy, trong nửa đầu năm 2008, nhóm cổ phiếu ngành cao su hay thép được hưởng lợi thế thương mại do giá sản phẩm đầu ra tăng vọt khi giá đầu vào ổn định (ngành cao su), hoặc các công ty được hưởng lợi khi đã dự trữ một lượng hàng tồn kho tương đối lớn (ngành thép). Tuy nhiên, từ đầu quý III, giá các mặt hàng nguyên liệu cơ bản đều giảm giá, cá biệt giá mủ cao su  và phôi thép có lúc đã rớt tới 50%. Dù kết thúc quý III, doanh nghiệp các ngành này đã gần hoặc hoàn thành kế hoạch năm nhưng giá cổ phiếu vẫn rớt trung bình  50 - 65%, lớn hơn mức giảm 40% của VN-Index. "Nói về lý thuyết thị trường hiệu quả, dòng tiền của các NĐT đang có sự chuyển dịch thông minh, không phải do lợi nhuận đã công bố mà do các dự báo triển vọng ngành trong thời gian tới", vị chuyên gia trên nhận xét.

Hướng tới lợi nhuận bền vững

Phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiếu TAC của CTCP Dầu thực vật Tường An sau nhiều phiên giảm điểm, từ mức 81.000 đồng/CP vào cuối tháng 8, đã có phiên tăng giá. Cổ phiếu TAC đóng cửa phiên này ở mức giá 26.100 đồng/CP, đây là hình ảnh trái ngược với một năm trước, khi TAC là một ngôi sao đang lên. Hành trình tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu TAC bắt đầu từ trung tuần tháng 6/2007 được hỗ trợ bởi tin quý II/2007, TAC đạt lợi nhuận lên tới 54,8 tỷ đồng, tăng đột biến 585% so với quý II/2006. Lý do chủ yếu là do TAC dự trữ được một lượng nguyên vật liệu giá khá rẻ. Kết quả giá cổ phiếu TAC đang dao động từ mức 54.000 - 56.000 đồng/CP được đẩy lên đỉnh bé 139.000 đồng/CP. Trong 33 phiên giao dịch từ ngày 11/6 đến 25/7 năm 2007, TAC chỉ có 3 phiên điều chỉnh còn hầu hết là tăng trần, ngược chiều với hành trình giảm điểm mạnh của VN- Index khi đó. Trong quý III/2007, giá cổ phiếu TAC được lên tới đỉnh lớn 186.000 đồng/CP vào ngày 8/10/2007 và sau đó là hành trình đi xuống… 

Ông Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM nhận định, nếu chỉ quan tâm đến con số tuyệt đối về lợi nhuận, phần trăm tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ và quý trước là chưa đủ. Theo ông Chí, tăng trưởng lợi nhuận bền vững của các doanh nghiệp bao giờ cũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ của tăng trưởng doanh thu. Các thu nhập đột biến hoặc do lợi thế thương mại có thể mang lại lợi nhuận cho công ty trong ngắn hạn và đẩy giá cổ phiếu lên cao, nhưng không có gì đảm bảo công ty tiếp tục đạt được mức lợi nhuận thành công tương tự trong tương lai. Lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ như phần nổi của tảng băng, điều quan trọng là NĐT cần phân tích dòng tiền của doanh nghiệp, bởi lợi nhuận có thể được tạo ra bởi các thủ thuật kế toán như định giá lại hàng tồn kho, thay đổi cách ghi nhận doanh thu, thay đổi cách tích chi phí khấu hao… "Doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao là điều đáng mừng, tuy nhiên nếu đó là lợi nhuận bền vững mới là điều ấn tượng", ông Chí nói.