Ngành dầu khí Việt Nam đã chuẩn bị tốt để tăng tốc phát triển

Ngành dầu khí Việt Nam đã chuẩn bị tốt để tăng tốc phát triển

(ĐTCK-online) Đó là nhận xét của các chuyên gia, đối tác nước ngoài dành cho ngành dầu khí Việt Nam. Trên thực tế, nhờ đó mà ngành dầu khí Việt Nam không chỉ chủ động và hoạt động thành công lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí trong nước mà ngày càng khẳng định uy tín ở nước ngoài. ĐTCK xin dẫn lời một số chuyên gia nước ngoài.

Ông Bajir Suleimenor, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu dầu Socar (Azerbaizan)

50 năm trước, chúng tôi cùng nhiều người bạn Việt Nam làm việc ở Vietso Petro. Mối quan hệ giữa ngành dầu khí Việt Nam và Azerbaizan rất khăng khít. Ngành dầu khí Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, Việt Nam đã có những chuyên gia được đánh giá có trình độ hàng đầu thế giới đang làm việc.

"Tôi nhận thấy chúng ta đã tìm được tiếng nói chung trong lĩnh vực khoa học. Giai đoạn đầu, ngành dầu khí Việt Nam chỉ hợp tác với các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nhưng ngày nay, Việt Nam đã chào đón thêm những nhà đầu tư dầu khí nước ngoài khác. Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đã ghi tên mình vào các nước sản xuất dầu khí. Việt Nam cũng có một đội ngũ nhà khoa học trẻ đầy triển vọng, chính họ sẽ tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại vào ngành dầu khí.

Giữa Socar và Petro Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác. Chúng tôi sẽ cùng nghiên cứu các cơ hội hợp tác, thăm dò khai thác, tìm kiếm ở Azerbaizan cũng như ở Việt Nam và các nước khác.

 

Ông Chris Einchcomb, Phó chủ tịch Tập đoàn phụ trách các dự án quốc tế và thượng nguồn Tập đoàn NTK-BP

Ngành dầu khí Việt Nam đã chuẩn bị tốt để tăng tốc phát triển ảnh 2

Năm 2010, TNK-BP đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn BP về việc mua lại cổ phần của BP tại các tài sản thượng nguồn, đường ống dẫn khí và sản xuất điện của BP tại Việt Nam và Venezuela với tổng giá trị là 1,8 tỷ USD. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn. Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư (sửa đổi) cho lô 06.1 vào tháng 10/2011, TNK Việt Nam đã tiếp nhận quyền điều hành giàn khai thác khí Lan Tây và hiện đang tìm kiếm cơ hội cho phát triển như mua lô mới, mua lại cổ phần tại các lô đang hoạt động... Để thực hiện chiến lược này, tới đây, Công ty TNK Việt Nam sẽ tham dự đấu thầu các lô ngoài khơi hiện đang được PetroVietnam mở thầu. Tháng 12, Công ty bắt đầu khoan hai giếng dưới biển trong khuôn khổ Dự án Phát triển mỏ Lan Đỏ. TNK Việt Nam dự kiến sẽ đón dòng khí đầu tiên vào bờ trong quý IV/2012.

Các tài sản ở Việt Nam của TNK - BP tạo thành một chuỗi từ khai thác vận chuyển khí tự nhiên đến sản xuất điện: Cụ thể, chúng tôi sở hữu 35% cổ phần là nhà điều hành tại các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi ở lô 0.1 bao gồm mỏ Lan Tây và Lan Đỏ. 32,67% cổ phần trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và Trạm xử lý khí Dinh Cố; 33,3% cổ phần tại Nhà máy điện Phú Mỹ 3. Chúng tôi kỳ vọng rằng, với nguồn nhân lực tay nghề cao và đầy tiềm năng, TNK - BP sẽ có cơ hội tốt đầu tư vào Việt Nam . Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất ở các mỏ đang khai thác và chưa khai thác, cũng như các lĩnh vực đóng góp cho việc cung cấp nguồn năng lượng an toàn và tin cậy cho người dân Việt Nam .

 

Ông Nikolay Makarov, Phó tổng giám đốc Zarubezhneft

Trình độ khoa học dầu khí của Việt Nam đã có bước phát triển tiến bộ. Nhân lực về dầu khí không chỉ được đào tạo trong nước mà còn được đào tạo ở những cường quốc dầu khí như Nga, Mỹ. Chúng tôi đánh giá cao năng lực của người Việt Nam đã từng học tập tại Liên Xô trong lĩnh vực dầu khí.

Để ngành dầu khí Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa, Việt Nam cần chú trọng đến việc ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong tìm kiếm và thăm dò khai thác dầu khí. Mở rộng vùng tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, cả trong nước và nước ngoài. Tôi cũng được biết, ở nước ngoài, dầu khí Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, các nước SNG như Uzbekistan, Azerbaizan, Kazakhstan; Venezuela; Khu vực châu Phi, Đông Nam Á. Chúng tôi đánh giá rất cao thành công vừa qua tại khu vực Nhenhetxky, Liên bang Nga; chỉ trong vòng 2 năm, PVN đưa 2 mỏ vào khai thác với sản lượng năm 2011 đạt 1,5 triệu tấn.

Việc mở ra những hướng nghiên cứu phát triển mới khác cũng rất quan trọng, đơn cử như nghiên cứu đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng thay thế LNG, CNG…

 

Ông Ioannis Abatzis, Tư vấn trưởng Văn phòng thăm dò khai thác dầu khí Đan Mạch

Ngành dầu khí Việt Nam đã chuẩn bị tốt để tăng tốc phát triển ảnh 4

Tôi có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi cũng có những chương trình làm việc  tại Viện Nghiên cứu dầu khí cũng như tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Ở Việt Nam , chúng tôi đã triển khai các chương trình đào tạo nâng cao trong chương trình đào tạo 12 tiến sĩ và 15 thạc sĩ. Chúng tôi chọn lọc các chuyên gia đến từ Viện Dầu khí Việt Nam (chiếm 70%), còn lại là các sinh viên xuất sắc ở các Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Với chương trình này, chúng tôi đào tạo theo hai hướng: tại Việt Nam và tại Đan Mạch. Các học viên sẽ được học lý thuyết và đi thực nghiệm tại công trường.

Tôi cho rằng, trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam đã có kinh nghiệm, nền tảng đã được xây dựng. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đóng vai trò rất quan trọng và Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá tốt. Các bạn có đội ngũ nhân lực trẻ và sẵn sàng cống hiến, có kỹ năng tốt.

Tôi cũng chứng kiến một sự đổi thay của ngành dầu khí trong việc mở rộng cửa đầu tư. Nếu như trước đây, ngành Dầu khí Việt Nam còn chưa mở cửa, phần lớn chỉ hợp tác với doanh nghiệp Liên Xô cũ, thì ngày nay, Việt Nam đã có sự mở rộng với sự tham gia của các nước như Anh, Mỹ, Malaysia… Rất nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam và họ tìm thấy cơ hội tại đây. Qua đó, các công ty của Việt Nam cũng tiếp nhận và lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm tiên tiến, công nghệ hiện đại.

 

PVN đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Từ năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Theo đó, các chương trình xúc tiến đầu tư tại những quốc gia lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Oman… đã được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào các dự án/đơn vị thành viên trực thuộc PVN nói riêng, Việt Nam nói chung đã được Tập đoàn giới thiệu với các NĐT trên toàn thế giới.

Theo lãnh đạo Tập đoàn, việc thoái vốn ở một số dự án, DN ngoài ngành, DN dịch vụ dầu khí… nằm trong lộ trình cắt giảm vốn đầu tư ngoài ngành và tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm. Trên thực tế, nhu cầu vốn đầu tư của PVN đang ngày một lớn, nhất là trong bối cảnh Tập đoàn đã dừng một số kế hoạch huy động vốn bằng ngoại tệ ra nước ngoài. Hiện tại, PVN đã xây dựng tài liệu mời gọi hợp tác đầu tư vào 36 dự án, DN trong Tập đoàn, với tổng vốn đầu tư/vốn điều lệ của các đơn vị trên lên tới gần 31 tỷ USD.

Ông Tống Quốc Trường, Trưởng Ban Đầu tư phát triển, PVN cho biết, thời gian vừa qua, Tập đoàn đã có những nỗ lực lớn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án. Trong đó, công tác chuẩn bị được thực hiện khá toàn diện như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới DN, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế lớn…

                                                                                                                            Tiểu Mai

   Danh mục một số dự án ngành dầu khí đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài
(quy mô từ 1 tỷ USD trở lên)       

 

Ngành dầu khí Việt Nam đã chuẩn bị tốt để tăng tốc phát triển ảnh 5

                                                                                           (Nguồn: PVN)