"Nhà đầu tư là cổ đông của DN sau ngày chốt quyền vẫn có quyền tham dự ĐHCĐ"

(ĐTCK) Vừa qua, một số DN phải tổ chức ĐHCĐ lần 2, thậm chí lần 3, gây lãng phí tiền của, thời gian cho cả DN và cổ đông chỉ vì số cổ đông tham dự ĐHCĐ lần 1 không đủ tỷ lệ 65% theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Một số DN cho là do khoảng cách thời gian giữa ngày chốt danh sách và ngày tổ chức ĐHCĐ quá xa nhau (theo quy định tại Luật Doanh nghiệp là 30 ngày), đến khi tổ chức họp ĐHCĐ, nhiều nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu nên người có tên trong danh sách chốt quyền không còn nhu cầu dự đại hội.

Một số DN cho biết, sẽ có kiến nghị bằng văn bản lên UBCK đề nghị thay đổi quy định về ngày chốt quyền tham dự ĐHCĐ, hạ quy định tại Điều lệ mẫu do UBCK ban hành về tỷ lệ cổ đông tối thiểu dự đại hội từ sở hữu 65% cổ phần có quyền biểu quyết xuống còn 51% để phù hợp với cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam (theo Nghị quyết số 71/NQ-QH11 của Quốc hội ngày 29/11/2006).

Trên thực tế, Khoản 5, Điều 101 Luật Doanh nghiệp quy định: "Trường hợp cổ phần được chuyển nhượng trong thời gian từ ngày lập xong danh sách cổ đông đến ngày khai mạc họp ĐHCĐ thì người nhận chuyển nhượng có quyền dự họp ĐHCĐ thay thế cho người chuyển nhượng đối với số cổ phần đã chuyển nhượng". Nếu chiểu theo quy định này, nhà đầu tư là cổ đông của DN sau ngày chốt quyền vẫn có quyền tham dự ĐHCĐ, chứ không phải như cách hiểu lâu nay. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhất là với cổ đông mua sau ngày chốt danh sách.

Song, vì mua sau ngày chốt nên DN chỉ biết tư cách cổ đông thông qua danh sách cổ đông được hưởng quyền tham dự ĐHCĐ và không thể "chạy" theo cổ đông để biết cổ đông nào hiện là cổ đông của DN.

Do đó, để tham dự ĐHCĐ cũng như đảm bảo quyền lợi của mình, cổ đông phải có nghĩa vụ thông báo với DN, gửi phiếu đăng ký theo mẫu (trước ngày diễn ra ĐHCĐ) và chứng minh tư cách cổ đông bằng các giấy tờ có liên quan như hợp đồng chuyển nhượng hay giấy uỷ quyền (từ bên bán)… khi đến tham dự. Thực tế thì mặc dù danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ đã được chốt, nhưng có thể thấy, không DN nào lại muốn gây cản trở cổ đông hiện hữu (đang sở hữu cổ phần) tham dự ĐHCĐ.