Giá dầu tăng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới

Giá dầu tăng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới

Phía sau biến động giá dầu

Sau biết bao dự báo, cuối cùng trong phiên giao dịch “xông đất” ngày 2-1-2008 ở London và New York, dầu thô chạm ngưỡng giá mà bao lâu nay dưới mắt các nhà phân tích kinh tế - tài chính quốc tế vẫn xem là “taboo” (cấm kỵ) bất lợi cho kinh tế toàn cầu: 100 USD mỗi thùng dung lượng chuẩn 35 imperial gallons (158,9 lít - áp dụng từ 1866).

Ngay sau đó, giới tài chính - chứng khoán London gọi đùa rằng giá dầu thô 100 USD khác gì nụ hôn rung động đầu đời lứa đôi. Vấn đề đặt ra là liệu phía cho (OPEC) và bên nhận (các thành phần kinh tế thế giới) có cùng nhau thỏa hiệp kiềm chế xúc cảm, kịp thời dừng lại ở “điểm uốn” hàm số tăng trưởng - suy thoái kinh tế toàn cầu hay không.

 

Đường đi giá dầu thô quốc tế

 

Đầu quý III-2007, dầu thô dao động ở mức giá 75 USD, leo thang tăng tốc 57% trong năm 2007 khi chạm giá 100 USD. Phóng chiều dài hơn nhằm “chụp ảnh” biến động giá dầu thô trên thị trường quốc tế:

 

• Lấy năm bùng nổ chiến tranh giữa Israel và khối Ả Rập 1973-1974 để đối chiếu giá: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) áp đặt cấm vận, đẩy giá 10 USD cho mỗi thùng dầu cuối năm 1974 (điều chỉnh giá thời điểm 2007: 15 USD - gộp yếu tố lạm phát).

 

• Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979: kích giá 40 USD (giá điều chỉnh: 80 USD). Không lâu sau đó, dầu thô xuống thang, giá ngang thời điểm cuối 1974.

 

• Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991: đẩy giá xấp xỉ đầu thập niên 1980, tiếp diễn đến 2006 (ngoại trừ giá rớt ngoạn mục năm 1998, thấp hơn cả thời kỳ chiến tranh Israel - Ả Rập).

 

• Năm 2006, Israel tấn công Lebanon, cộng thêm cơn khát dầu từ bùng nổ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ (CHINDIA), dầu thô chạm ngưỡng 70 USD giữa 2006-2007.

 

Đồ họa trên cho thấy: trước 2006, dầu thô biến động giá theo diễn biến chính trị - quân sự thế giới, đặc biệt ở Trung Đông. Nhưng từ giữa 2006 đến cuối năm 2007, các yếu tố ngoại lai nêu trên không còn tác động trực tiếp lên giá dầu thô quốc tế. Trái lại, theo phân tích chuyên gia dầu khí Fadel Gheit (New York Brokerage Oppenheimer & Co.), lần đầu tiên giá dầu thô liên quan sát sườn với các yếu tố kinh tế và phi kinh tế. Đơn cử:

 

  a. Cung cầu bất quân bình càng lúc thêm rõ nét: Dự trữ dầu của Mỹ ở mức thấp nhất từ tháng 6/2005: 289 triệu thùng. Sản lượng dầu thềm lục địa Bắc Hải giảm nhanh hơn dự báo. Bạo động ở Algeria , Nigeria , Venezuela ... góp phần đánh sụt lượng cung dầu thô. Cung giảm không cân đối được cơn khát dầu gia tăng theo cường độ bùng nổ tăng trưởng của hai nhóm N4 (chủ lực Trung Quốc, Ấn Độ) và N11 (dẫn dầu là ASEAN). Thực tế, tiêu thụ dầu của Mỹ và Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) giảm 0,3% năm qua nhờ không ngừng cải tiến công nghệ lẫn quy trình sản xuất.

 

 b. Trước Noel 2007, tại phiên họp Thượng viện Mỹ, Fadel Gheit khẳng định 40% giá dầu chồng thêm bởi yếu tố đầu cơ. Do giá không ngừng leo thang, các công ty hàng không quốc tế rót khoản tiền khổng lồ mua các “options” ở thị trường dầu tương lai, bảo đảm ngưỡng giá 100 USD ổn định đến tháng 3/2009.

 

Không riêng lĩnh vực hàng không, các công ty chuyên doanh năng lượng (dầu & khí đốt) cùng thành phần kiếm lời thông qua mua bán chứng khoán tương lai, tích cực khuấy động giá dầu thô. Khoảng 10.000 giao dịch thực hiện trong tháng 11/2007, tăng đột biến lên hơn 25.000 vài ngày đầu năm 2008. Rồi đây, Calpers (quỹ hưu bổng lớn nhất của Mỹ) lên kế hoạch bơm lượng thanh khoản trị giá 1,5% (tương ứng 3,75 tỉ USD) trên tổng tài sản trước tháng 3/2008 mua các “options” dầu tương lai ở S& P GSCI.

 

 c. Sau hết, không kém quan trọng là đồng đôla Mỹ không còn vóc dáng “đẫy đà” trước đây. Dầu thô lấy USD làm bản vị; một khi USD tuột dốc, dầu khí sẽ đội giá.

 

Giá dầu rồi sẽ ra sao?

 

Tổng quan, hiện có ba xu hướng chẩn đoán giá dầu trong tháng ngày sắp tới:

 

  a. OPEC họp thường kỳ ở Vienne (Áo) ngày 1-2-2008, chịu sức ép cánh “diều hâu”, dẫn đầu bởi Tổng thống Hugo Chavez (Venezuela) xem giá 100 USD là hợp lý (“just” price). Bộ trưởng dầu khí Lybia là Shokri Ghanen đưa ra bình luận khá ảm đạm: không chút kỳ vọng OPEC sẽ kéo hay kềm giá dầu tại hội nghị thượng đỉnh Vienne .

 

  b. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo dè dặt: dầu xuống thang ở mức giá 78,8 USD năm nay và 76 USD năm 2009. Trong khi đó, Lehman Brothers dự báo giá dầu dao động ở biên độ 84 USD (2008) và 83 USD (2009); Morgan Stanley: 80 USD (2008) - 90 USD (2012).

 

  c. Goldman Sachs đầu tiên tính toán giá dầu thô 100 USD đầu năm 2008, tiếp tục tăng lên 105 USD cuối năm nay. Xu hướng cực kỳ bi quan ở Đức dự báo giá kinh hoàng: 150 USD cho năm 2013 và 200 USD thời kỳ 2025 nếu như không tìm ra nguồn năng lượng thay thế.

 

Các vấn đề đặt ra nếu dầu bám trụ mức giá 100 USD

 

  a. Ngay sau khi dầu chạm ngưỡng giá 100 USD, EC lên tiếng cảnh báo kinh tế thế giới sẽ chững lại, nếu không nói là ở bờ vực suy thoái (bài viết lược ghi trường hợp Anh quốc). Thông qua nghiên cứu của Công ty tư vấn Capital Economics, chuyển tải qua báo The Guardian số ngày 4-1-2008: nếu dầu giữ giá 100 USD trong hạn kỳ nhất định sẽ đánh sụt tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Anh quốc 1,5%.

 

  b. Các công ty tài chính quốc tế trong tuần lễ đầu tháng Giêng 2008 đồng loạt công bố báo cáo hoạt động quý IV cuối năm 2007, báo động thời kỳ ăn nên làm ra hai năm vừa qua đã kết thúc cùng với năm 2007. Thông qua thăm dò 600 công ty ở Anh, số liệu của Grant Thorton phản ánh chỉ có 14% lạc quan so với tỷ lệ 43% năm vừa qua về tình hình kinh doanh trong bối cảnh giá dầu 100 USD.

 

 c. Thị trường kim loại, cá biệt là vàng chao đảo theo biến động giá dầu, tác động trực tiếp đến hoạt động công nghiệp và tâm lý công chúng. Dẫn chứng: Vàng tăng giá 1,6%: 869,05 USD/troy ounce; Nickel: +6,6% (29.000 USD/tấn); Kẽm: +4,9% (2.570 USD/tấn); Đồng: +3,7% (7.005 USD tấn); Platinum: +0,7% (1,550 USD/troy ounce); Bạc: +0,6% (15,26 USD/troy ounce).

 

Theo đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council - WGC), ngoài tác động giá dầu thô, vàng còn chịu sức ép xuất phát từ mức cầu không ngừng gia tăng qua bùng nổ giai tầng trung lưu, con đẻ của tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ - Trung Quốc - Trung Đông. Tầng lớp mới giàu lên ở các khu vực này dùng tiền dư mua vàng (nhất là thời điểm USD tuột dốc). Thống kê WGC cho thấy trong 9 tháng đầu 2007, tổng cầu vàng ở Ấn Độ tăng 40% (504,2 tấn - tương ứng 20% thị phần vàng thế giới)); Trung Quốc: +24%; Trung Đông: +14%.

 

Mặt khác, giá vàng tăng còn phụ thuộc yếu tố giá khai quặng tăng nhanh. Theo WGC, giá thành khai thác vàng tại mỏ 6 tháng đầu 2007 tăng 21% (371 USD/troy ounce). Bình quân tổng phí khai thác vàng mỏ ở Nam Phi, Trung Quốc , Indonesia , Peru ... dự kiến tiếp tục tăng như sau: Năm 2008: 838 USD/ounce; 2010: 1.050 USD; 2015: 1.420 USD. Nói cách khác, hầu như không có thắng kềm hãm giá vàng leo thang. Có thể dẫn chứng qua thông tin sau đây: vàng giao dịch trên thị trường London ngày 10/1 tiếp tục đẩy giá lên 877 USD/troy ounce, giữa lúc giá dầu thô từ 100 USD (ngày 2/1) rớt xuống ngưỡng 95,84 USD/ thùng cùng thời điểm. Giới tài chính London dự báo vàng sẽ chạm giá 900 USD/troy ounce ngay trong quý I này.

 

Lối ra mù mờ trong bối cảnh giá dầu leo thang

 

Cục Năng lượng quốc tế (IEA) khẩn cấp đề nghị thế giới cùng ngồi lại tìm kiếm các nguồn năng lượng bền vững mới. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây nhất phản ánh tính bất nhất trong những nỗ lực thúc đẩy tiến độ sử dụng chất đốt sinh học (biofuels). Chẳng hạn, công bố của Jorn Scharlemann và William Laurence thuộc Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian ( Panama ) minh dẫn các chất đốt xuất phát từ sinh học: bắp, mía đường, đậu nành... tàn phá môi trường nghiêm trọng hơn cả than đá, dầu thô!

 

Andy Tait (tổ chức GreenPeace) không ngần ngại kết luận cái gọi “chất đốt sinh học” là sản phẩm của các nhà chính trị và doanh nghiệp nhằm trục lợi. Ở Mỹ, nhà nông được bao cấp nếu đồng ý chuyển từ trồng đỗ tương sang trồng bắp nhằm chế biến ethanol. Nông dân Brazil ồ ạt triệt phá rừng nguyên sinh Amazone trồng mía phục vụ sản xuất ethanol... Hệ quả ngay tại Mỹ, không bao lâu nữa sẽ cạn kiệt đậu nành, đẩy giá dầu thực vật lên cao, chất chồng thêm khó khăn đời sống cho người tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm...

 

Hiển nhiên đáp án cho bài toán biến động giá dầu tiếp tục xoay như... đèn cù!

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Tin liên quan:

>>Giá dầu leo thang