Sắp buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản

Sắp buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản

(ĐTCK) Để giảm thiểu tình trạng CTCK lạm dụng tiền của khách hàng, UBCK vừa đề xuất Bộ Tài chính cho phép áp dụng cơ chế buộc CTCK phải quản lý tách bạch tài khoản.

2 phương thức tách bạch

Tràng An, Golden Bridge Việt Nam đang là những CTCK điển hình cho tình trạng lạm dụng, thậm chí “ăn cắp” tiền trong tài khoản của NĐT. Tình trạng này khiến NĐT mất niềm tin vào thị trường. Ngoài lý do đạo đức hành nghề đang bị bỏ qua một cách đáng báo động, dưới góc nhìn của công chúng đầu tư, việc cơ quan quản lý chưa mạnh tay buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản của họ với tài khoản của khách hàng, đang tạo kẽ hở cho CTCK lạm dụng tài khoản của NĐT.

Sắp buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản ảnh 1

Tách bạch tài khoản, giao dịch sẽ chậm, phiền hà trong in sao kê, nhưng tài sản được an toàn hơn

Đại diện UBCK cho hay, việc buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản của họ với tài khoản của khách hàng đã được quy định trong dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK. Lẽ ra, văn bản này đã được ban hành giữa năm nay, nhưng vì lý do kỹ thuật, nên dự thảo lần cuối vừa được UBCK hoàn chỉnh và trình Bộ Tài chính xem xét ban hành trong năm nay. Để giảm thiểu nguy cơ CTCK nhập nhèm tài khoản của NĐT, dự thảo Thông tư quy định: CTCK phải xây dựng hệ thống để đáp ứng cả hai phương thức quản lý tiền cho khách hàng lựa chọn.

Thứ nhất, CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại (NHTM) để quản lý tiền của khách hàng. Tiền trên tài khoản chuyên dụng không thuộc sở hữu của CTCK, mà thuộc sở hữu của khách hàng. Tài khoản này phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của CTCK. CTCK và NHTM mở tài khoản chuyên dụng có nghĩa vụ quản lý tài khoản này chỉ phục vụ cho giao dịch của khách hàng.

Thứ hai, khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại NHTM do CTCK lựa chọn, để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Với phương thức này, CTCK và NHTM có thỏa thuận về cách thức xác nhận, phong tỏa số dư tiền và chuyển tiền thanh toán giao dịch của khách hàng. CTCK phải mở tài khoản trung chuyển chuyên dùng tại NHTM do CTCK chọn để phục vụ cho giao dịch của khách hàng.

Tại sao cơ quan quản lý không buộc CTCK thực hiện thống nhất một mô hình quản lý tiền của NĐT theo phương thức hai, để tiết kiệm chi phí, cũng như thời gian triển khai hệ thống, mà lại buộc họ thiết lập hai phương thức? Điều này có tạo “cửa lùi” cho CTCK, khi phương thức thứ nhất vẫn là mô hình tài khoản tổng, vốn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho NĐT?

Từ kinh nghiệm thực tế của khoảng 20 CTCK đã tách bạch tài khoản, thì trước lúc đặt lệnh mua chứng khoán cho NĐT, CTCK phải kiểm tra số dư tiền trên tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Tiếp đó, CTCK thống nhất với ngân hàng phong tỏa số dư tiền phục vụ thanh toán, đảm bảo số dư đủ 100%. Nếu không phong tỏa, thì sau khi khớp lệnh mà NĐT vẫn rút được tiền, sẽ khiến hoạt động thanh toán bù trừ bị thiếu hụt, gây mất an toàn hệ thống.

Quy trình khá phức tạp này có thể ảnh hưởng đến tốc độ đặt lệnh của NĐT, bởi việc kiểm tra số dư tiền không phải lúc nào cũng thực hiện được tức thời. Có ý kiến cho rằng, nên trao quyền cho NĐT yêu cầu ngân hàng thực hiện chuyển tiền, chứ không phải CTCK, để thanh toán bù trừ, nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, cách làm này không ổn, vì nếu sau khi kết thúc giao dịch mà thấy giá chứng khoán diễn biến theo chiều hướng bất lợi, NĐT không thực hiện lệnh chuyển tiền để thanh toán, thì rất nguy hiểm cho an toàn hệ thống.

Đại diện UBCK cho biết, mô hình tài khoản tổng đang được đa số thị trường sử dụng. Trên thế giới, hiện chỉ có hai nước chọn mô hình tách bạch tài khoản. Mỗi mô hình đều có điểm mạnh, điểm yếu, nên trước mắt cơ quan quản lý đưa ra hai phương thức nêu trên để NĐT lựa chọn. Với giải pháp tách bạch tài khoản, NĐT có thể phải chấp nhận các hạn chế: giao dịch chậm, gặp phiền hà trong in sao kê tài khoản…, nhưng đổi lại, tài sản được an toàn hơn. Ngược lại, NĐT không chấp nhận những hạn chế của phương thức này, thì chọn phương án mở tài khoản tổng, để các giao dịch diễn ra thuận lợi hơn, nhưng rủi ro hơn về an toàn tài sản.

 “Trên cơ sở triển khai hai phương thức, nếu mô hình tách bạch tài khoản được triển khai tốt: kết nối nhanh, kiểm tra số dư chuẩn xác, mở ra nhiều kênh kết nối linh hoạt với các ngân hàng, thì cơ quan quản lý sẽ có một văn bản chấm dứt triển khai mô hình tài khoản tổng, để chuyển đồng loạt sang mô hình tách bạch tài khoản. Đây là bước quá độ để giảm thiểu tác động tiêu cực cho cả NĐT lẫn CTCK”, lãnh đạo UBCK nói.

 

Trông chờ sự “mạnh tay” của cơ quan công an

Việc tách bạch tài khoản là để ngăn chặn CTCK lạm dụng tiền của NĐT. Tuy nhiên, đại diện UBCK cho hay, ngay cả khi triển khai mô hình này, nhưng một khi CTCK, nhân viên CTCK cố tình vi phạm, cũng như các biện pháp xử lý thiếu tính răn đe, thì vẫn không đảm bảo tiền của NĐT được an toàn. Lý do là khi CTCK yêu cầu ngân hàng chuyển tiền để thanh toán bù trừ, thì ngân hàng sẽ thực hiện, trong khi ngân hàng rất khó kiểm soát có đúng NĐT mua bán chứng khoán thực hay không.

Theo lãnh đạo UBCK, việc quản lý tiền của NĐT, dù chọn mô hình nào đi nữa, thì điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng, là luôn đòi hỏi tính tự giác tuân thủ pháp luật của các CTCK và người hành nghề chứng khoán. Kèm theo đó là cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay, nhằm tăng tính răn đe, bởi đây là hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, chứ không dừng lại ở vi phạm hành chính.

“Với các vụ NĐT kiện CTCK vì có hành vi ‘lấy trộm’ tiền của khách hàng, UBCK đều chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét xử lý. Việc áp dụng các biện pháp xử lý hình sự hữu hiệu hơn đối với hành vi lấy cắp tiền của NĐT, sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi hành vi tiêu cực này”, đại diện UBCK nói.    

 

“Cần sớm buộc CTCK tách bạch tài khoản”

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

 

 
Trong nhiều lần bàn thảo với UBCK, VASB đều kiến nghị cần sớm buộc CTCK thực hiện quản lý tách bạch tài khoản của họ với tài khoản của khách hàng. Cũng cần xử lý thật nặng các đối tượng “ăn cắp” tiền của NĐT.

 

Thực tế, gặp bối cảnh TTCK khó khăn kéo dài như hiện tại, không ít CTCK thua lỗ, mất vốn, trong khi ý thức tuân thủ pháp luật còn kém, nên dễ nảy sinh tình trạng CTCK lạm dụng tiền của khách hàng.

 

Đáng lo ngại là tình trạng này rơi vào các CTCK quản trị yếu kém, làm ăn thua lỗ, mất thanh khoản, nên NĐT rất khó đòi được tiền. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, thì sẽ khiến NĐT càng thêm mất niềm tin vào thị trường.

 

Để đảm bảo tính khả thi cho Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp áp dụng đối với người hành nghề chứng khoán, VASB đang bàn thảo với nhà tư vấn quốc tế sửa đổi văn bản này. Nếu thuận lợi, Bộ quy tắc đạo đức mới sẽ được áp dụng từ năm 2013, qua đó cùng với Bộ Tài chính, UBCK chấn chỉnh tình trạng CTCK nhập nhèm trong quản lý tài khoản, đồng thời góp phần đào thải nhân sự thường xuyên vi phạm đạo đức kinh doanh.

 

"Tách bạch tài khoản sẽ giảm thiểu rủi ro" 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

 

 
Từ thực tế tách bạch tài khoản của MBKE cho thấy, việc này không quá phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, hệ thống kết nối dữ liệu giữa MBKE với các ngân hàng được thiết lập chặt chẽ, nên cho phép cập nhật online về số dư tiền trên tài khoản của khách hàng.

 

Điều này cho phép các giao dịch của NĐT diễn ra thông suốt, vẫn đảm bảo diễn ra nhanh chóng, chứ không chậm như một số ý kiến quan ngại. Tuy nhiên, việc tách bạch tài khoản khiến một số giao dịch của khách hàng không được thuận lợi. Chẳng hạn, muốn in sao kê tài khoản tiền, thì thay vì được phục vụ ngay tại CTCK, NĐT phải sang thực hiện tại ngân hàng.

 

Đặc biệt, khi quản lý tách bạch tài khoản, CTCK phải chấp nhận ít nhất hai thiệt thòi.

 

Thứ nhất, phải đầu tư thêm để xây dựng hệ thống kết nối với các ngân hàng.

 

Thứ hai, CTCK không được hưởng chênh lệch lãi suất từ khoản tiền mà NĐT để tại CTCK. MBKE chấp nhận những thiệt thòi này, không chỉ vì nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán, mà còn thực hiện tôn chỉ đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.