Tái cơ cấu DNNN, không thể dàn hàng ngang

Tái cơ cấu DNNN, không thể dàn hàng ngang

(ĐTCK) Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua đã mang lại những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có một kế hoạch chuyên biệt thực thi quyết liệt từ năm 2013 - 2015, để đưa kinh tế vĩ mô vào thế ổn định bền vững.

Tái cơ cấu DNNN, không thể dàn hàng ngang   ảnh 1Chính phủ chủ trương sẽ cắt giảm số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước xuống còn 5 - 7 tập đoàn

Ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2012: tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế” vừa được Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, cho rằng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh nhằm ổn định kinh tế vĩ mô: phân loại ngân hàng để có biện pháp quản lý chặt, phân giao vốn đầu tư công dài hạn thay vì cắt khúc theo từng năm… Các giải pháp này đã được tổ chức triển khai khá hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, gần đây việc tổ chức triển khai các giải pháp này có biểu hiện chùng xuống. Điều này đang cản trở các giải pháp đúng đắn phát huy hết công năng của nó trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

“Muốn khắc phục tình trạng trên, cần có một kế hoạch chuyên biệt triển khai từ năm 2013 - 2015 để ổn định kinh tế vĩ mô bền vững”, ông Ân đề xuất đồng thời khuyến nghị, do khâu tổ chức triển khai đang gặp khó khăn, nên Chính phủ cần ưu tiên tạo đột phá trong cải cách hành chính với trọng tâm là chấn chỉnh bộ máy quản lý các cấp, để xác định rõ việc gì do cơ quan, cán bộ nào chịu trách nhiệm. Tránh tình trạng, việc triển khai các giải pháp ổn định vĩ mô chưa rốt ráo, nhưng không dễ quy trách nhiệm cho một đầu mối cụ thể.

Đề xuất trên nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, bởi một kế hoạch chuyên biệt như vậy mới tập trung tối đa được nguồn lực của các cấp, các ngành, để theo đuổi kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô tập trung, bài bản.

Để kế hoạch chuyên biệt trên được triển khai mang lại hiệu quả cao, có ý kiến cho rằng, không thể thiếu những hành động mạnh mẽ của các cấp quản lý, nhất là khi tổ chức triển khai tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Ưu tiên này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DN đang sử dụng một nguồn lực đầu tư rất lớn của Nhà nước, mà còn tạo ra sự thay đổi trong phân bổ nguồn lực phát triển. Từ đó, nguồn lực từ nơi sử dụng kém hiệu quả được chuyển sang khu vực sử dụng hiệu quả hơn, để đóng góp bền vững cho sự ổn định vĩ mô.

Chính phủ đã phát đi chủ trương sẽ cắt giảm số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước từ con số 11 tập đoàn hiện tại xuống còn 5 - 7 tập đoàn. Tín hiệu này đang được hy vọng sẽ tạo bước đột phá trong tái cơ cấu khối DNNN.

Để triển khai chủ trương có tính đột phá trên, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất, ngoài đưa ra lộ trình cụ thể, Chính phủ cần dành sự quan tâm lớn cho chỉ đạo tổ chức triển khai tái cơ cấu các tập đoàn. Không thể tái cơ cấu khối DN này theo kiểu dàn hàng ngang, mà cần có bước đi đột phá theo hướng: sớm cho phá sản, giải thể các tập đoàn hoạt động không hiệu quả, vốn đang tạo gánh nặng cho ổn định vĩ mô…

Quá trình tái cơ cấu các tập đoàn nói riêng, DNNN nói chung, theo các chuyên gia, sẽ khó mang lại hiệu quả cao, nếu thiếu các quy định buộc DNNN minh bạch hoạt động đầu tư, tài chính, bổ nhiệm nhân sự… tương tự như DN niêm yết trên TTCK. DNNN là sở hữu toàn dân, nên cần tăng cường vai trò giám sát của người dân, Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với khối DN này.