Việc từ chối quyền mua cổ phiếu ưu đãi trong bối cảnh hiện nay không phải là quá hiếm.

Việc từ chối quyền mua cổ phiếu ưu đãi trong bối cảnh hiện nay không phải là quá hiếm.

Thiệt Kép

(ĐTCK-online) Đối với một số công ty niêm yết, việc đặt ra mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch huy động vốn, như kéo dài thời gian nộp tiền, đã khiến không ít NĐT cảm thấy thiệt thòi. Một số NĐT cho biết, họ cảm thấy bực mình vì DN làm ăn quá chậm chạp. Với mức lãi suất tiết kiệm hiện hành 1%/tháng, NĐT được quyền mua khoảng 30.000 cổ phiếu với giá 20.000 đồng/CP chỉ cần nộp tiền chậm là đã có thể tiết kiệm được 6 triệu đồng/tháng. Và càng thiệt thòi hơn khi giá cổ phiếu trên sàn giảm về bằng đúng giá cổ phiếu được mua ưu đãi, nếu NĐT đã trót nộp tiền và thời hạn cuối cùng cho ngày đăng ký mua được kéo dài thêm.

Thực tế, DN muốn huy động được vốn, không muốn kế hoạch kinh doanh của mình bị rơi vào tình huống bị động. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, có công bằng không giữa các NĐT nộp tiền trong các đợt khác nhau? DN phải làm gì để đảm bảo tính công bằng? Hơn nữa, nếu giả thiết, tỷ lệ từ chối này lên tới 60 - 70% tổng giá trị cổ phần tăng vốn mới, thì khi đó, liệu đợt phát hành có thành công?

Vẫn biết rằng, DN có thể lựa chọn phương án phát hành khác, nhưng dù dùng phương án nào thì thiệt thòi nhất vẫn là NĐT. Trường hợp thị giá cổ phiếu thấp hơn mức giá được mua ưu đãi (tính đến ngày cuối cùng nộp tiền) thì nhiều khả năng cổ đông sẽ từ bỏ quyền mua. Khi đó, thiệt hại của cổ đông không chỉ là khoản chênh lệch giữa hai mức giá, mà còn là khoản thiệt hại do giá trị cổ phiếu gốc đã bị giảm ngay từ ngày giao dịch không hưởng quyền.

Ví dụ, cổ đông được mua cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ 2:1 với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Giá giao dịch trước ngày không hưởng quyền là 60.000 đồng/CP, giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 46.600 đồng/CP. Tính đến ngày cuối cùng nộp tiền mua, thị giá cổ phiếu giảm còn 19.000 đồng/CP thì nếu từ bỏ quyền mua, NĐT đang sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ bị thiệt những khoản sau:

-Giá trị cổ phiếu ban đầu: 1.000 CP x 60.000 đồng = 60 triệu đồng

-Giá trị cổ phiếu hiện tại: 1.000 CP x 19.000 đồng = 19 triệu đồng

Như vậy, tính cả tác động giảm giá từ thị trường, NĐT lỗ 41 triệu đồng, chứ không phải chỉ lỗ 500.000 đồng (500 CP được mua thêm nhân với mức chênh lệch giữa thị giá và giá mua ưu đãi).

Ngay cả khi thị giá giảm xuống còn 40.000 đồng/CP (giảm hơn giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền một chút), NĐT quyết định bán số cổ phiếu cũ thì khoản lỗ cũng lên tới 20 triệu đồng. 

Có thể thấy, mấu chốt của vấn đề tựu trung ở hai việc: thứ nhất là, giá mua ưu đãi; và thứ hai là, thời gian hoàn thành thủ tục để đưa cổ phiếu vào giao dịch. Nếu giá mua cổ phiếu ưu đãi thấp hơn nhiều so với giá thị trường của cổ phiếu và khoảng thời gian từ ngày chốt quyền đến lúc niêm yết cổ phiếu mới thì xác suất để NĐT từ chối quyền mua sẽ được hạn chế rất nhiều. Quan trọng hơn, rút ngắn khoảng thời gian này sẽ giảm thiểu rủi ro cho các NĐT cũng như rủi ro cho chính DN.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần thiết phải có sự nỗ lực của tất cả các bên tham gia, từ phía cơ quan quản lý, cơ quan điều hành đến phía DN. Chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết thì NĐT còn phải chịu nhiều rủi ro khi thị trường đi xuống.