Đại diện các nhà tài trợ đánh giá cao quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ

Đại diện các nhà tài trợ đánh giá cao quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ: Năm 2012, chắc chắn vĩ mô sẽ sáng hơn

(ĐTCK-online) Phát biểu tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2011 (CG 2011) ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với việc tiếp tục đặt mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, lấy chất lượng và sự bền vững làm trọng.

Với chủ đề "Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo", CG 2011 thực sự là diễn đàn hữu ích để đại diện các tổ chức quốc tế có uy tín đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tìm kiếm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế.

Bà Latifah Merican Cheong, Cố vấn văn phòng Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Malaysia cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đúng khi tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực then chốt là đầu tư công, DNNN và thị trường tài chính. Kinh nghiệm cho thấy, việc tái cơ cấu thành công những lĩnh vực này sẽ tạo ra sức lan toả lớn, giải phóng sức tăng trưởng cho nền kinh tế. Riêng việc tái cơ cấu thị trường tài chính không nên chỉ dừng lại ở việc tái cơ cấu hệ thống NHTM như hiện tại, mà cần triển khai đồng thời với tái cơ cấu thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

"Theo đó, cần tính toán cụ thể tỷ trọng và phân khúc đối tượng huy động vốn cho DN, nền kinh tế của các thị trường tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, để giảm thiểu những rủi ro do quá phụ thuộc vào vốn tín dụng như hiện tại. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp cho từng thị trường, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển đồng bộ thị trường tài chính…", bà Latifah khuyến nghị.

Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng mới chỉ đi được nửa chặng đường. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục kiên định thực hiện các quyết sách của Nghị quyết 11/2011 với việc tập trung vào 3 lĩnh vực. Thứ nhất, nâng cao hiệu năng cho chính sách tiền tệ và tỷ giá bằng cách gia tăng lòng tin của dân chúng vào đồng nội tệ. Đây là biện pháp quan trọng để dần giảm kỳ vọng lạm phát. Thứ hai, chính sách tài khoá cần hỗ trợ chính sách tiền tệ nhiều hơn trong nỗ lực giảm lạm phát. Cuối cùng, những rủi ro của khu vực tài chính cần được giải quyết sớm, trong đó trọng tâm là cải cách khu vực ngân hàng…

Cam kết sẽ tài trợ cho Việt Nam khoảng 1,9 tỷ USD vốn ODA trong năm tài khóa 2012, ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất, muốn tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, đầu tư công nói riêng đạt hiệu quả, kỷ luật tài khoá cần được tăng cường. Theo đó, thắt chặt tài khoá cần đảm bảo chặt chẽ và hài hoà với nỗ lực kiềm chế lạm phát. Việc giám sát đầu tư công cần được tăng cường, để sớm chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, dẫn tới tình trạng cung tiền quá cao trong thời gian dài. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao thời gian qua…

Những khuyến nghị của các chuyên gia, theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chủ trì CG 2011, sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, mà trước hết là tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và thị trường tài chính. Việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực này phải được thực hiện đồng bộ với chính sách tài khoá, tiền tệ đúng đắn…, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ổn định vĩ mô bền vững. Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng nhà tài trợ quốc tế.

Phát biểu tại CG 2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2012 và giai đoạn tới, Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế, trong đó trước mắt sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các dự án ODA nhanh và hiệu quả hơn. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và hiệu quả công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu đầu tư công; DNNN bằng cách đẩy mạnh cổ phần hóa hầu hết DN này trong thời gian tới và tái cơ cấu ngân hàng.

Khẳng định tình trạng lạm phát cao đã được kiềm chế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 9%. Điều này là khả thi khi Chính phủ phát đi thông điệp rất rõ ràng rằng, chấp nhận đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% trong năm 2012 (tương đương với năm 2011) để tiếp tục ổn định vĩ mô. Với định hướng điều hành này, chắc chắn năm 2012, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ sáng hơn, qua đó tạo ra những nền tảng vững chắc để đảm bảo cho nền kinh tế bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, lấy chất lượng và sự bền vững làm trọng.