Thuế chứng khoán làm‘nóng’ nghị trường

(ĐTCK-online) Sáng qua (2/11), Dự luật Thuế thu nhập cá nhân được thảo luận tại Quốc hội, trong đó nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến thuế chứng khoán. Thuế suất 25% quá cao, cũng như không nên miễn thuế cổ tức cho người lao động trong DN là hai nội dung có nhiều ý kiến đóng góp nhất. ĐTCK – online ghi lại một số ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương, (TP Đà Nẵng):  Theo tôi, đánh thuế chuyển nhượng vốn 25% là quá cao. Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi chính sách thuế phải có những khuyến khích đầu tư thông qua thủ tục đơn giản và mức thuế nhẹ, trong khi đó quy định của dự thảo luật chưa thể hiện được tinh thần này. Biểu hiện qua cách tính thu nhập chịu thuế không khả thi và tỷ suất thuế cao. Thậm chí hiện nay nhiều nước trên thế giới không áp dụng thuế đối với lợi nhuận từ đầu tư vốn như ở Châu Á có Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, ở Châu Âu có Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Đức và nhiều nước khác.  Về nguyên tắc khi xây dựng luật này chúng ta phải tính đến mối tương quan với các nước trong khu vực nếu không sẽ dẫn đến tình trạng xuất khẩu vốn sang các nước khác.


Về phương pháp khấu trừ tại nguồn, phương pháp này không công bằng và thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với người nộp thuế. Vì với phương pháp này người nộp phải nộp theo phương pháp thuế khoán, trong trường hợp đó có nhiều tình huống là họ phải nộp, trong khi thu nhập chưa đến mức phải chịu thuế. Ở nước ta tôi đề nghị, chỉ đánh thuế chứng khoán ở mức khoảng 10 - 15%.

 

Đại biểu Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu):  Tôi đề nghị khoản thu nhập cổ tức, cổ phần của cán bộ công nhân viên được mua ưu đãi khi doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa thì cũng phải nộp thuế vì những người này đã được ưu đãi khi mua cổ phần, mức mua thấp hơn những cổ đông khác. Hơn nữa, số lượng cổ phiếu ưu đãi được mua là rất khác nhau giữa những cán bộ, công nhân viên cùng làm việc trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Nếu miễn thuế đối với những đối tượng này thì sẽ tạo ra sự mâu thuẫn giữa các cổ đông.

 

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam):  Tôi tán thành quy định việc thu thuế thu nhập cá nhân đối với lợi tức cổ phẩn, nhưng việc thu nhập từ cổ tức của người lao động là cổ đông mua cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa được miễn thuế theo chúng tôi phải cân nhắc lại cho thật kỹ. Có lẽ phải tính thuế vấn đề này thì công bằng hơn, nhằm chống sự lợi dụng của quy định này. Bởi lẽ trên thực tế có được bao nhiêu người lao động mua được cổ phần ưu đãi, hay chỉ là mua hộ, mua từ tiền của người khác. Người lao động trắng tay vẫn hoàn trắng tay, người mua được cả mấy chục ngàn đôla dù là cổ phiếu ưu đãi thì đây không phải là đối tượng nghèo, không phải là đối tượng phải được quan tâm miễn, giảm. .

 

Đại biểu Đỗ Căn (Hà Nội): Theo quan điểm của tôi thì lợi tức cổ phần cũng phải thuộc diện đánh thuế thu nhập cá nhân, vì thu thuế cổ tức không phải là đánh thuế hai lần và đây là hai chủ thể khác nhau, hai loại thu nhập khác nhau. Thuế thu nhập doanh nghiệp điều tiết vào thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, còn thuế thu nhập đối với cổ tức, điều tiết thu nhập của cá nhân có được từ đầu tư vốn. Qua tìm hiểu thực tế của các nước trên thế giới cũng đã thu thế thu nhập cá nhân đối với cổ tức.

Về việc có đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua không? Theo tôi thì cũng phải đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua, bởi vì bản thân người lao động là cổ đông của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và bản thân người lao động đã được ưu đãi hơn so với các cổ đồng bên ngoài, do được mua cổ phiếu với mức giá thấp hơn. Về bản chất cổ phần của người lao động cũng là khoản vốn do người lao động đầu tư vào doanh nghiệp, nên cổ tức nhận được cũng phải được tính nộp thuế cũng như các nhà đầu tư khác bên ngoài doanh nghiệp. Mặt khác, nếu chỉ đánh thuế đối với cổ đông ngoài công ty dẫn tới trường hợp cổ đông bên ngoài sẽ đầu tư cổ phiếu qua người lao động công ty để lách luật, trốn thuế.

 

Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân: Có miễn thuế cổ tức cho người lao động là cổ đông được mua cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp Nhà nước hay không? Theo tôi không nên miễn thuế cho đối tượng này, vì sẽ không công bằng đối với các lao động ở doanh nghiệp khác, không công bằng ngay cả với những cổ đông tại doanh nghiệp này, tôi chưa nói chúng ta vi phạm cam kết của tổ chức WTO. Hơn nữa sẽ bất bình đẳng với những người lao động là công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang đang làm việc ở các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng là phục vụ cho Nhà nước, nhưng không được hưởng cổ phần ưu đãi, mà tất cả lợi tức này có được từ nguồn vốn tài sản đất đai của Nhà nước giao cho doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải bản thân tự có. Do đó tôi đề nghị phải thu khoản này. Trong bản giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nêu, chúng ta đưa khoản này vào miễn thuế nhằm gắn bó người lao động với doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm đối với người lao động. Tôi cho đó là quan điểm rất đúng đối với chế độ ta, tuy nhiên trong thực tế, báo cáo với Quốc hội có bao nhiêu người lao động có khả năng mua hết số cổ phần ưu đãi và người ta sẽ bán ngay, bán lúa non cổ phần ưu đãi mà người ta mua được để mong thu được khoản chênh lệch kha khá đảm bảo cuộc sống. Như thế vô hình chung chúng ta đưa ra diện này vào miễn thuế, chúng ta lại miễn thuế cho những người có tiền mua gom hết cổ phần ưu đãi của người lao động.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội): Trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trên thực tế, khi các doanh nghiệp của Nhà nước tiến hành cổ phần hóa thì hầu hết người lao động rất khó có một khoản tiền bỏ ra để góp vốn và mua cổ phần của các doanh nghiệp của Nhà nước và rất nhiều trường hợp, phần đông là mọi người bán lúa non. Tức là bán lại quyền của mình cho người ở bên ngoài. Nếu dự thảo luật quy định không đánh thuế đối với cổ phần ưu đãi mà người lao động trong doanh nghiệp được mua, thì tôi cho rằng đây cũng là một kẽ hở, chúng ta đang tạo điều kiện để cho người giàu thì giàu hơn và người nghèo thì lại nghèo đi.