TTCK sẽ được kinh tế vĩ mô nâng đỡ

TTCK sẽ được kinh tế vĩ mô nâng đỡ

(ĐTCK-online)Với lập luận nền kinh tế sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2010, cùng với đó là thông điệp tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, TTCK sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ kinh tế vĩ mô trong năm tới.

Bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn đang là mối quan ngại. Theo ông, những giải pháp đang thực thi đã đủ đảm bảo cho việc ổn định kinh tế vĩ mô đạt được những bước tiến vững chắc?

Thực ra, nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy giảm vừa qua cũng đã gây nên những "phản ứng phụ" như: nguy cơ lạm phát tái xuất hiện, thâm hụt ngân sách, mất cân đối cán cân thanh toán quốc tế, một số rủi ro trong hệ thống tài chính - ngân hàng… Hiện những rủi ro về kinh tế vĩ mô vẫn còn, nhưng quan trọng là nó đang nằm trong tầm kiểm soát, chứ không như tình hình năm 2008. Chính phủ đã có thông điệp rất rõ ràng là tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với nỗ lực này, khi triển vọng của kinh tế thế giới ngày càng sáng sủa thì những yếu tố bất định ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô sẽ được giảm thiểu. Tuy nhiên, thế giới đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa việc có tiếp tục bơm tiền để kích thích kinh tế hay dần thắt chặt cung tiền. Có nước, cụ thể như Nhật Bản, tiếp tục chính sách kích thích kinh tế do vẫn phải đối mặt với giảm phát, trong khi Úc lại áp dụng biện pháp tăng lãi suất. Rõ ràng, chọn phương án nào cũng không đơn giản đối với các nước cũng như Việt Nam, vì các yếu tố bất định của kinh tế vĩ mô vẫn còn tương đối nhiều.

 

Đối với Việt Nam, một trong những yếu tố bất định đáng lo ngại là nguy cơ lạm phát tăng cao tái xuất hiện, đe doạ đến nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2010?

Khi nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi, thì giá cả các mặt hàng, từ nguyên nhiên liệu, đến năng lượng, hàng tiêu dùng…, đang tăng trở lại. Bởi vậy, nếu không tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp hữu hiệu, thì năm 2010, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những rủi ro ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô do lạm phát cao tái xuất hiện.

 

Ông có cho rằng, chính sách hậu khủng hoảng kinh tế vừa qua vẫn thiên về biện pháp hành chính, thay vì sử dụng linh hoạt các công cụ của thị trường để điều hành nền kinh tế?

Do điều hành nền kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp, nên ở những tình huống nhất định, việc sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp là cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan quản lý thiên về sử dụng biện pháp hành chính hơn là sử dụng các công cụ của kinh tế thị trường để điều hành nền kinh tế. Khi cần giải quyết bất cứ vấn đề nào của nền kinh tế, thì hãy nghĩ trước tiên đến các công cụ thị trường thay vì các biện pháp hành chính. Dĩ nhiên, với đặc thù của một nền kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh như Việt Nam, thì khó tránh khỏi việc thiên về sử dụng các biện pháp hành chính. Điều này đôi khi gây nên những "phản ứng phụ" không đáng có cho nền kinh tế.

 

Theo dự báo của Goldman Sachs, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm 2010. Theo ông, chúng ta có đạt được?

Tôi không lạc quan như vậy. Nhưng xác suất để năm 2010 nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009 là rất lớn. Điều cần lưu ý là trong bối cảnh nền kinh tế mới tạm khỏi "ốm", mà cho dùng "thuốc bổ" tới tấp để đạt tốc độ tăng trưởng cao thì không phải là cách hay. Tốc độ tăng trưởng cao chỉ nên diễn ra khi các yếu tố vĩ mô đáp ứng vững chắc cho sự tăng trưởng ấy. Nôm na là muốn xây lâu đài vừa chắc, vừa đẹp, thì cái móng phải chắc chắn, chứ xây lâu đài trên cát thì rất nguy hiểm. Dựa trên diễn biến của tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, cũng như dự báo bối cảnh của nền kinh tế thế giới thời gian tới, năm 2010, Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% là vừa sức. Mức tăng này phù hợp với nỗ lực tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và năng lực phản ứng chính sách, để giúp nền kinh tế tích luỹ trước khi có bước tiến nhanh hơn.

 

Như vậy, TTCK sẽ được hỗ trợ như thế nào từ kinh tế vĩ mô trong năm 2010, theo ông?

TTCK Việt Nam bị chi phối bởi 3 yếu tố chính là: các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, yếu tố đầu cơ và thị trường thiếu tính chuyên nghiệp. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố tiên quyết cho sự tăng trưởng bền vững và dài hạn của nền kinh tế, cũng như TTCK. Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nền kinh tế trong năm 2010 sẽ có diễn biến khả quan hơn năm nay, sẽ tạo ra lực đỡ quan trọng cho TTCK.