“Vị đắng” cà phê

“Vị đắng” cà phê

(ĐTCK) Hàng loạt công ty, đại lý kinh doanh cà phê trong nước thua lỗ và đối mặt với nguy cơ vỡ nợ với ố nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Việt Nam là một trong những nước trồng và xuất khẩu cà phê nguyên liệu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, lợi thế này chưa được các DN nội địa tận dụng để triển khai các hoạt động thương mại nhằm mang lại giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản chủ lực này. Ngược lại, các DN trong nước lại đang bị lép vế ngay trên sân nhà trước các đối thủ là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

 

DN nội “vỡ trận”

Từng là một trong những DN thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê nguyên liệu hàng đầu Việt Nam, nhưng giờ đây, CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam đang lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần chồng chất. Công ty đã phải bán một số dự án tiềm năng để trả nợ ngân hàng và quá trình cơ cấu nợ vẫn tiếp diễn. Thực tế này đang khiến Công ty khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để triển khai các hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, dù hiện đang vào vụ cao điểm.

Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình của tình trạng DN kinh doanh cà phê nội địa bị “vỡ trận”. Do đặc thù phần lớn vốn kinh doanh xuất khẩu cà phê phụ thuộc vào vay ngân hàng, khi lãi suất cao trên 20% như suốt năm ngoái, cộng với giá cà phê biến động thất thường, nhiều DN đã “thoi thóp”. Hiện có hàng trăm DN, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đang đối mặt với nguy vỡ nợ với số nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng tại vựa cà phê Đắk Lắk, hiện có khoảng 43 DN, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán hàng nghìn tỷ đồng và hàng nghìn tấn cà phê nhân.

 “Vị đắng” cà phê ảnh 1

Chỉ tính riêng tại vựa cà phê Đắk Lắk, hiện có khoảng 43 DN, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ

 

Vụ mất khả năng thanh khoản gây chấn động nhất xảy ra tại CTCP Đầu tư và xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột), một "ông lớn" từng được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng là công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu. Công ty này đang đối mặt với khoản nợ lên đến 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu khiến Vinacafe Buôn Ma Thuột cũng như nhiều DN đứng trước nguy cơ vỡ nợ là bởi quyết định bán phần lớn cà phê do nông dân, đại lý trung gian ký gửi với kỳ vọng khi giá cà phê rẻ sẽ mua lại để bù vào lượng hàng đã bán ra. Tuy nhiên, thị trường cà phê có diễn biến trái ngược, đẩy hàng loạt DN vào tình trạng thua lỗ, nợ nần.

Không chỉ các DN, cơ sở thu mua, xuất khẩu cà phê nguyên liệu, mà ngay cả các đơn vị chế biến cà phê, lâu nay vẫn được coi là ăn nên làm ra, nguồn vốn rủng rỉnh, cũng rơi vào cảnh thua lỗ, làm cho lĩnh vực thương mại cà phê trong nước vốn đắng nay lại càng đắng hơn. Điển hình mới đây, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh An (Đắk Nông) đã gửi văn bản lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, khẳng định sẽ bán nhãn hiệu Coffee Đức Lập Minh An và Coffee Đức Lập Đăkmil cho một DN Trung Quốc với giá 18 tỷ đồng, nếu không được hỗ trợ cho vay vốn để trả nợ và phục hồi sản xuất.

 

Cơ hội cho DN FDI lấn sân

Điều đáng buồn là khi các DN nội “vỡ trận” cũng chính là cơ hội cho các DN FDI thừa thắng xông lên. Trong “cuộc chiến” tranh mua nguyên liệu từ nông dân, các DN FDI đang ngày càng chiếm ưu thế rõ nét. Chỉ riêng tại Đắk Lắk, vựa cà phê lớn nhất cả nước, các DN FDI đã mua tới trên 60% sản lượng cà phê của toàn tỉnh tính từ đầu năm đến nay. Sau khi giành ưu thế trong cuộc chiến tranh mua nguyên liệu, các DN FDI sẽ tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực chế biến và phân phối cà phê thành phẩm? 

Sự bành trướng của các DN FDI đã đẩy DN nội địa vốn đang gặp nhiều khó khăn vào chỗ khốn khó hơn. Nhiều DN trong nước đã bị đối tác xử phạt vì không giao đủ số lượng cà phê theo đúng cam kết. Ngay cả các “đại gia” như CTCP Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk cũng nếm đòn đau từ sự lấn sân của các DN. Trong quý I vừa qua, các DN nội địa tại Đắk Lắk chỉ thu mua, xuất khẩu được 82.000 tấn cà phê, trong khi kế hoạch là 120.000 tấn.

Lý giải thành công của các DN FDI trong thời gian qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu cho biết, điểm mạnh nhất của các DN FDI cũng chính là điểm yếu nhất của DN trong nước. Cụ thể, trong khi các DN FDI có lợi thế vốn lớn, được hưởng mức lãi suất cho vay tại nước sở tại thấp thì các DN nội địa lại khó tiếp cận được vốn vay do chính sách thắt chặt tiền tệ, hoặc nếu có vay được cũng phải chịu lãi suất quá cao. Thậm chí, có thời điểm DN trong nước phải chịu lãi suất cao gấp 6 lần so với mức lãi suất các DN FDI phải trả.

Không thể phủ nhận việc các DN FDI thông qua các đại lý thu mua cà phê để gom hàng, đã tạo ra cuộc cạnh tranh giá khốc liệt và người trồng cà phê được hưởng lợi đáng kể. Tuy nhiên, một khi các hoạt động thương mại cà phê rơi vào tay DN FDI, liệu có thách thức nào trong nỗ lực xây dựng cà phê trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam?

 

Ứng xử ra sao?

Rõ ràng, sự xuất hiện của nhân tố ngoại trong hoạt động thu mua, xuất khẩu cà phê nguyên liệu đang buộc các DN nội địa xem lại cung cách làm ăn theo kiểu “xử ép” nông dân lâu nay để ghìm giá, thông qua đó tìm kiếm lợi nhuận. Điều này cũng buộc các DN nội địa sẽ phải thay đổi cách nghĩ, cách làm nếu không muốn sớm bị loại khỏi cuộc chơi.

Để góp phần hỗ trợ các DN trong nước, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế kinh doanh có điều kiện đối với xuất khẩu cà phê. Giải pháp này nhằm thiết lập lại trật tự đối với hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê vốn đang bị DN FDI lấn sân.

Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc đưa bất kỳ một mặt hàng nông sản nào vào danh mục kinh doanh có điều kiện phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là điều này có phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã cam kết không, đặc biệt là cam kết WTO. Khi nào Chính phủ thông qua cơ chế kinh doanh có điều kiện đối với xuất khẩu cà phê, thì các bộ, ngành sẽ cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, ngay cả khi chính thức đưa cà phê vào danh mục kinh doanh có điều kiện, thì các quy định cũng phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, bình đẳng, chứ không thể cấm đoán bằng các biện pháp hành chính. Việc các DN FDI tham gia thu mua cà phê nguyên liệu đã đẩy các DN nội địa vào cuộc cạnh tranh không cân sức, nhưng đó là cuộc chơi mang quy luật thị trường. Các DN trong nước không thể mãi dựa dẫm vào sự bảo hộ của Nhà nước để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài, mà phải tự thân nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Trong đó, DN nội địa cần đặc biệt quan tâm đến các hoạt động kinh doanh lành mạnh, bền vững, nhất là gắn bó, đồng hành lâu dài với người trồng cà phê, chứ không thể giữ cung cách kinh doanh có biểu hiện chộp giật, ăn xổi như hiện nay.