Việt Nam - Cơn sốt vàng của doanh nhân Mỹ

Việt Nam - Cơn sốt vàng của doanh nhân Mỹ

Để thúc đẩy nền kinh tế công nghệ non trẻ của Việt Nam, các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon vừa quyết định đầu tư 200 triệu USD vào một nhà máy đóng gói chip trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội).

Bài viết của tờ San Jose Mercury News đã ghi nhận sự hứng khởi của các nhà đầu tư Mỹ và Việt kiều đối với thị trường Việt Nam .

 

Người khổng lồ tiếp theo

Quyết định đầu tư 200 triệu USD là của V-Caps, một nhóm các giám đốc điều hành các công ty công nghệ cao có mối quan hệ thân cận ở Thung lũng Silicon. Nhà máy này sẽ đặt trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc, có 1.500 công nhân, lắp ráp và thử nghiệm đóng gói chip cho các công ty bán dẫn sản xuất sản phẩm như điện thoại di động hay máy tính cá nhân. V-Caps sẽ cân nhắc xây thêm hai nhà máy tương tự.

 

Trong các phát biểu tại hội thảo, nhiều nhà đầu tư nhất trí rằng, Việt Nam ngày càng được coi là điểm đến mới của việc gia công phần mềm và thậm chí cả dịch vụ công nghệ cao cấp.

Harry Rozakis, cựu Giám đốc điều hành Công ty lắp ráp chip Asat ở Hồng Kông, người sáng lập nhóm V-Caps tỏ ra lạc quan:  "Đây là một nơi phi thường. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ trở thành người khổng lồ tiếp theo của châu Á". Rozakis bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam 4 năm trước, sau khi đến đây nghỉ hè.

 

Sự lạc quan đó là sắc thái chung của hội thảo đầu tư vào Việt Nam do Mạng lưới doanh nghiệp chiến lược Việt Nam (VSVN) tổ chức, diễn ra lần đầu tiên tại Palo Alto (California) hôm 2 và 3/8 - nơi hàng trăm nhà đầu tư, giám đốc các công ty công nghệ cao, các doanh nhân Việt kiều, doanh nhân Mỹ và một số quan chức Việt Nam sang tham dự.

 

Thay vì Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, các nhà đầu tư nhắc đến Việt Nam như một điểm sáng ở châu Á. "Mọi người cần hiểu rằng, có một nơi đầu tư thay thế ở châu Á, đó là Việt Nam", ông Huy Đỗ, Chủ tịch VSVN nói. Hội thảo này sẽ trở thành một sự kiện hàng năm để kết nối giữa cộng đồng doanh nhân Việt kiều với quê hương.

 

Người trẻ trở về

Quinn Trần, người sáng lập Công ty GoQTT.com chuyên về du lịch tới Việt Nam nói rằng, giờ đây những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi muốn tìm cơ hội kinh doanh ở đất nước mình, một Việt Nam mới, giống như cách người Ấn Độ, Trung Quốc... đã làm ở quê hương họ. Họ cũng coi mình là nhịp cầu giữa Thung lũng Silicon với Việt Nam .

 

Trước đây, có những lúc, người Mỹ gốc Việt muốn làm ăn ở Việt Nam đã phải trở về rất thận trọng. Họ lo ngại sẽ khiến một bộ phận cộng đồng người Việt tại Mỹ giận dữ, trong khi có thể gặp phải sự nghi kỵ của các nhà lãnh đạo Việt Nam . Nhưng giờ đây, có rất nhiều người Mỹ gốc Việt và những người khác tới Việt Nam - "gần giống như một cơn sốt vàng" - theo lời Ross Meador, luật sư ở Berkeley, chuyên gia về luật quốc tế và Việt Nam.

 

Thịnh Nguyễn, người sáng lập Công ty phần mềm Pyramid Software Development ở Thung lũng Silicon, là một trong những người đi tiên phong khi mở văn phòng tại TP.HCM năm 2001. Lúc đó, anh gặp sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng người Việt tại Mỹ. Song anh cho biết: "Vẫn còn những người không thích. Nhưng giờ đây, mọi người hiểu anh có quyền làm ăn ở bất kỳ nơi nào anh muốn. Cộng đồng đã trưởng thành hơn nhiều".

 

Tại hội thảo, có rất nhiều câu hỏi về việc Việt kiều được đối xử thế nào ở Việt Nam . Thịnh Trần, Giám đốc điều hành Công ty Sigma Design nhớ lại, 8 năm trước, khi Công ty thiết kế bán dẫn của anh lập văn phòng ở TP.HCM, Công ty phải vật lộn với nạn quan liêu nghiêm trọng. Nhưng giờ mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Nhân viên Công ty rất thông minh, chăm chỉ và trung thành.

 

"Chi phí đầu ra vào ở Việt Nam rẻ không phải là động lực để tới đó. Khi nhìn vào nền văn hoá Việt Nam, những điều bạn tìm thấy khi đào sâu là một hệ thống giá trị dựa trên sự trung thành, sáng tạo, kiến thức, sự hiếu kỳ, kiên trì - tất cả những điều đó làm cho Việt Nam có lợi thế đáng kể so với hầu hết các nước khác", Stanford Garret, Chủ tịch Công ty tư vấn tài chính Garret Group Technology, một trong những nhà đầu tư hạt giống của V-Caps nói.