"Vua yến'" và giấc mơ toàn cầu

"Vua yến'" và giấc mơ toàn cầu

Dù đã thành công với các sản phẩm yến trên thị trường, ông Võ Thái Lâm, Tổng giám đốc Công ty Yến Việt vẫn thấy tự phải "lột xác" và thay đổi nhiều hơn nữa.
 

Sau khi VinaCapital đầu tư vào Yến Việt, Công ty có sự thay đổi ra sao, thưa ông?

Khác biệt lớn nhất là phải minh bạch từ chi tiêu, doanh thu cho đến sổ sách hóa đơn. Vấn đề này đã trở thành văn hóa của công ty, từ chính sách chung đến đãi ngộ, tất cả hoạt động bằng quy chế rõ ràng chứ không phải lèo lái doanh nghiệp một cách "tùy hứng". Việc quan trọng nhất là tái cấu trúc lại hệ thống để thay đổi diện mạo công ty theo kịch bản sản xuất kinh doanh đề ra với mức tăng trưởng cao hơn nhiều. Ra biển lớn thì phải đóng thuyền lớn để tránh gió bão. Đầu tiên là thống nhất các ngành hàng, làm mới hệ thống marketing và phân phối, chiến lược.

 

- Ông có thấy áp lực khi phải thay đổi mô hình doanh nghiệp gia đình?

Áp lực với tôi là phải thay đổi tư duy từ một công ty gia đình vốn vận hành theo cách chí thú làm ăn rồi từ từ đi lên vững chắc, đồng lời luôn nhiều hơn đồng chi tiêu. Bây giờ thì thay đổi hoàn toàn nhưng lại tốt hơn. Tôi cố gắng thích ứng với mô hình quản lý mới, không để lệch pha giữa nhóm này nhóm kia mà phải có sự tương tác là điều cần thiết. Có một hệ thống tốt mới xây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp và ứng xử linh hoạt về thị trường, kiến trúc bên dưới tốt thì hệ thống kinh doanh mới bền vững.

 

- Ông nghĩ gì về tiềm năng của ngành Yến Việt Nam, đầu tư như vậy liệu có mạo hiểm?

Yến là một ngành tiềm năng và có nhiều lợi thế. Việt Nam không mấy lợi thế với các ngành công nghiệp thì việc chọn đầu tư vào ngành nông nghiệp theo tôi là đúng đắn. Giá tổ yến do Việt Nam sản xuất có mức giá cao nhất nhờ khí hậu và môi trường thiên nhiên tốt nhất cho tổ yến. Cả thế giới thừa nhận yến Việt Nam là số 1, nhưng thực tế là doanh nghiệp mình làm chưa bài bản. Tại sao khi đến Bắc Kinh thì tìm món vịt quay, Nhật có bò Kobe, trong khi đến Việt Nam tìm cái nổi trội nhất lại khó khăn. Theo tôi do mình chưa đầu tư đúng mức để giải quyết câu chuyện đặc sản của Việt Nam. Tiềm năng của yến không chỉ là thực phẩm mà còn mỹ phẩm, dược phẩm, thế giới lại chưa khai thác nhiều. Như sâm là thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc với doanh thu hàng chục tỉ đô mỗi năm, từ cây sâm trồng đại trà cho ra rượu sâm, thuốc sâm, nước sâm, rễ sâm… Tôi thấy người nào vào WalMart mua sâm cũng nghĩ ngay đến sâm Hàn Quốc, câu chuyện yến của Việt Nam phải đi theo con đường đó. Tôi kỳ vọng sản phẩm yến của mình sẽ có mặt trên hệ thống WalMart, tại sao mình không làm được trong khi yến có giá trị cao? Con đường làm thương hiệu có thể chông gai và cần nguồn lực, cả tầm nhìn ở mức quốc gia. Vì thế cứ đặt mục tiêu ngắn thì 5 năm, dài 10 năm để có một thương hiệu mạnh. Tôi không chỉ ấp ủ cho doanh nghiệp mình mà cho ngành Yến Việt Nam.

 

- Ông có thể chia sẻ bí quyết "làm bạn với yến" của mình?

Tại sao vợ chồng ly dị: bởi không hiểu nhau. Cũng vậy, muốn nuôi được yến thì mình phải hiểu nó. Nuôi yến phải có tính toán khoa học chứ không phải cứ xây nhà lên là chim đến. Từ cơ chế làm tổ, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, cái gì hấp dẫn để chim đến... Tại sao có 5, 7 nhà chim trong vùng, nhưng chim chỉ quy tụ về một điểm? Đây là ngành chuyên môn, không nên nghĩ đơn giản mà nuôi chỉ theo phong trào, nếu không có chuyên gia tư vấn hỗ trợ thì rất dễ thất bại. Cũng cần nói thêm là người ta biết nhiều về yến miền Trung bởi nghề yến bắt đầu từ đây với các vùng đảo ven biển, nhưng thực tế càng về phía Nam ngành yến càng có cơ hội phát triển nhờ hệ thống thực phẩm lớn với đồng lúa cây trái và thời tiết ôn hòa. Chim sẽ tập trung những vùng thuận lợi, hiện nay chủ yếu như: Cần Giờ, Bạc Liêu, Cà Mau về phía miền Đông càng thuận lợi hơn như: Bình Phước, Bình Dương… chứ không chỉ ở gần biển.

 

- Ông có kế hoạch gì cho năm mới?

Trong năm vừa qua thị phần và doanh thu của Yến Việt liên tục tăng trưởng mỗi tháng. Ngoài việc mở rộng hệ thống, chúng tôi cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để người tiêu dùng hiểu được các ích lợi của yến và các sản phẩm từ yến. Việc phát triển ra các thị trường: Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và các thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới cũng là mục tiêu. Sự cạnh tranh hiện nay là phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, phải có những nghiên cứu sâu về tổ yến và đa dạng hóa sản phẩm. Nếu mình chia nhỏ sản phẩm ra được thì cơ hội đến với người dùng nhanh hơn, rộng hơn.Yến là sản phẩm đặc thù, tôi nghĩ, xây dựng được hệ thống tư vấn cho người mua thì cơ hội họ đến với mình sẽ lớn hơn. Lượng khách hàng của mình nhiều hay ít phụ thuộc vào hệ thống này.