Nhiều DN FDI đang “khát” USD để nhập nguyên vật liệu, nhưng không dám vay ngân hàng vì lãi suất còn khá cao.

Nhiều DN FDI đang “khát” USD để nhập nguyên vật liệu, nhưng không dám vay ngân hàng vì lãi suất còn khá cao.

Vướng mắc của doanh nghiệp FDI: Chuyện nhỏ mà hóa to!

Nếu không có giải pháp hữu hiệu, dự kiến mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể lên đến 10-15% trong năm 2009. Chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu cả nước, những vướng mắc của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần sớm tháo gỡ.

Tại buổi toạ đàm với các DN FDI phía Nam do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều DN đã nêu ra những vấn đề tuy lặt vặt, nhưng rất thực tế. Nếu những vấn đề này không nhanh chóng được tháo gỡ sẽ gây cản trở lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

 

Bà Thái Thị Hoa, đại diện cho Công ty giày ChinLu (Bến Lức, Long An) mở đầu vướng mắc của công ty mình bằng một dẫn chứng: ChinLu là một công ty gia công giày thể thao cho thương hiệu Nike nên cần nhập một loại dao cắt, tuy nhiên nhìn bên ngoài thì lại giống một cây bút hơn và nó thường được gọi là bút cắt.

 

Theo bà Hoa, nghĩa tiếng Anh của sản phẩm này là bút cắt, còn tiếng Hoa thì nó lại được gọi là dao cắt. Trong khi đó, nếu nhập khẩu sản phẩm này với tên bút cắt, ChinLu phải chịu mức thuế là 35%, còn dao cắt là 70%. “Nếu khai với tên bút cắt thì ChinLu có thể bị phạt vì khai gian, nhưng nếu khai với tên dao cắt thì bị cho là… ngu” - bà Hoa tâm sự.

 

Bà Hoa cho biết thêm, để cho chắc rằng mình không khai sai, bà Hoa mang hình ảnh của sản phẩm này đến nhờ cán bộ hải quan hướng dẫn. Tuy nhiên, cán bộ hải quan cũng không biết khai bút hay khai dao, bởi luật chưa quy định. Một vấn đề tưởng chừng khá đơn giản nhưng ChinLu không thể nhập thiết bị này về để phục vụ sản xuất!

 

Tương tự, vướng mắc của Công ty Yamaki Index Việt Nam (goi tắt là YIVN) cũng “thú vị” không kém. Đại diện của công ty này cho biết, YIVN hoạt động trong ngành sản xuất phụ kiện xe ôtô nên cần đặt hàng theo yêu cầu một số máy móc chuyên dùng.

 

Khi nhập hàng về, ngành hải quan yêu cầu phải khai chi tiết, tuy nhiên YIVN không thể biết trong máy có bao nhiêu chi tiết và được thiết kế như thế nào? “Khai không đủ thì bị tội khai gian, nhưng khai mà không nhập hàng về được thì cũng khổ, không có máy móc để sản xuất” - vị đại diện của YIVN nói.

 

Theo người đại diện YIVN, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu của công ty này giảm gần 70% so với cùng ký năm 2008. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở riêng YIVN, mà khá nhiều DN FDI của Việt Nam cũng đang phải chịu đựng vì khủng hoảng toàn cầu.

 

Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

" 3 tháng đầu năm 2009, số vốn FDI vào Việt Nam là 6 tỷ USD, cả vốn FDI đăng ký và thực hiện đều giảm so với cùng kỳ. Thu hút vốn FDI năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại nhiều diễn đàn quốc tế về đầu tư, các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, hiện có gần 50% các nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, hơn 40% tiếp tục quy trì quy mô sản xuất cũ, chỉ có mấy phần trăm có ý định thu hẹp sản xuất". (Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng)

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, khối DN FDI tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước. Trong đó mặt hàng dệt may chiếm 59%, giày dép 69,5%, điện tử 96,6%.... Do đó, ông Hoàng khẳng định, những vướng mắc của các DN rất chính đáng và cần được tháo gỡ ngay để khơi thông sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu.

 

Có nên hỗ trợ lãi suất khi vay USD?

 

Tại buổi tọa đàm, nhiều DN cho rằng, khối DN FDI đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu khá lớn, tuy nhiên gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ lại không áp dụng cho vay USD? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, hiện Chính phủ chỉ mới có chủ trương hỗ trợ đối với những DN vay bằng tiền VND.

 

Ông Anh cho biết thêm, hỗ trợ lãi suất đối với USD rất phức tạp vì hiện nay hầu hết ngoại tệ có được Chính phủ đều phải đi vay. Nếu hỗ trợ lãi suất thì vô tình, Chính phủ hỗ trợ cho các ngân hàng nước ngoài, chứ các DN của VN không được hưởng lợi gì từ chính sách này.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ đưa kiến nghị của DN lên Chính phủ, nhằm để Chính phủ xem xét hỗ trợ. Bởi, hiện những ngành sản xuất có nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu không phải ít, trong khi đó DN vay đồng Việt Nam với lãi suất hỗ trợ nhưng lại mua ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, như vậy thì hiệu quả chẳng được là bao.

 

Cũng như buổi tọa đàm với các DN FDI phía Bắc diễn ra ngày 3/4, những vướng mắc của DN FDI phía Nam chủ yếu xoáy vào thuế và hải quan. Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện thủ tục hải quan quá nhiều là một thực tế. Ngành hải quan đang rà soát lại những thủ tục thừa để loại bỏ. Khi hải quan điện tử được triển khai rộng rãi, những rào cản về thủ tục hầu như sẽ được loại bỏ triệt để. “Trước mắt DN cần chia sẻ với ngành hải quan”, ông Túc nói.