Bàn đạp… chưa đủ lực

(ĐTCK-online)Giới phân tích kinh tế vĩ mô nhìn vào năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường với quan điểm tích cực nhưng đầy tiếc nuối.

Tích cực bởi chính năng lực nội tại của mỗi DN trong bối cảnh cạnh tranh đầy khốc liệt, bởi khả năng linh hoạt lớn của các DN khi môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường chính sách thay đổi với tần suất rất lớn. Song, điều tiếc nuối mà các nhà nghiên cứu chính sách đề cập tới, đó là việc tận dụng và khai thác hệ thống hàng rào kỹ thuật cũng như những biện pháp hỗ trợ được phép từ phía các cơ quan quản lý chuyên ngành dường như rất thiếu và không cập nhật. Thậm chí, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp không ngần ngại đánh giá rằng, phần trợ giúp kỹ thuật trong khuôn khổ cho phép của Việt Nam quá kém. Có nghĩa là Việt Nam chưa tận dụng tốt được những lợi thế mà hội nhập kinh tế mang lại.

Những đợt khảo sát từ DN cho thấy, DN đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc nhận được hỗ trợ từ Chính phủ trong các lĩnh vực đào tạo, xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin minh bạch về thị trường và sản phẩm. Một thực tế rõ ràng là các DN đã đi đúng hướng khi đưa ra các yêu cầu hỗ trợ. Tất cả đề nghị của DN đều không nằm ngoài vùng cho phép của các cam kết quốc tế cũng như khả năng thực thi của các cơ quan Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng lại phải bàn tới thói quen hoạch định chiến lược, chính sách phát triển ngành nghề, sản phẩm của Việt Nam lâu nay từ phía các cơ quan quản lý ngành. Một điều khá phổ biến là không chỉ các bộ, ngành mà các địa phương cũng luôn xác định cho mình một vài mũi nhọn nào đó như là thế mạnh để tập trung thúc đẩy. Cách tư duy này ảnh hưởng rất lớn tới việc hoạch định chính sách.

Song, vấn đề là ở chỗ hướng can thiệp theo lĩnh vực, chọn một ngành, sản phẩm mũi nhọn nào đó, là hình thức can thiệp không được phép. Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung  ương) cho rằng, các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới hoàn toàn không bắt buộc phải từ bỏ vai trò của Nhà nước mà yêu cầu chuyển mục tiêu can thiệp. Có nghĩa là sự can thiệp, hỗ trợ bằng chính sách của Nhà nước phải hướng vào những lĩnh vực có tính lan toả rộng, ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác cũng như nền kinh tế nói chung. Có thể kể đến các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục… Hơn thế, trong giai đoạn đầu hội nhập, một số biện pháp hỗ trợ vẫn được duy trì, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, hoạt động phục vụ người nghèo, vùng sâu, vùng xa… Có nghĩa là rất nhiều biện pháp hỗ trợ được phép nhưng chưa được các cơ quan hữu quan của Việt Nam công bố công khai và áp dụng có hiệu quả. Khả năng tiếp cận sự hỗ trợ nếu có cũng chưa được coi là đồng đều với tất cả đối tượng trong nền kinh tế, giữa các DN với nhau.

Như vậy, DN Việt Nam, cho dù nắm khá vững những quyền lợi của mình liên quan đến sự hỗ trợ từ Chính phủ, song vẫn chưa thực sự có được những cơ hội để khai thác và tận dụng. Không những thế, áp lực lại đè nặng lên vai DN khi giới phân tích kinh tế phát hiện rằng, các DN ASEAN đã tận dụng lợi thế từ việc bãi bỏ hàng rào thuế quan tốt hơn DN Việt Nam trong những năm qua. Hệ quả là hàng hoá ASEAN tràn vào Việt Nam một cách mạnh mẽ, gây bất lợi không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, Việt Nam vẫn đang theo đuổi cách tiếp cận "lưỡng thể" trong phát triển kinh tế. Một mặt, Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc thúc đẩy các ngành định hướng xuất khẩu với vai trò chủ đạo là các DN sản xuất xuất khẩu, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài có khả năng cạnh tranh ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Mặt khác, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì bảo hộ đối với các DN nhà nước trong những ngành thay thế nhập khẩu, những DN bị coi là hoạt động kém hiệu quả. Hơn nữa, Việt Nam lại chưa tạo ra được mối liên kết giữa các ngành công nghiệp thượng nguồn. Hầu như các ngành công nghiệp nặng phát triển khá độc lập và không tận dụng được thế mạnh của nhau. Sức mạnh của bàn đạp chính sách bởi vậy bị phân tán, chia rẽ.