Sacombank chỉ là điển hình cho những rắc rối trong thực hiện trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu chưa niêm yết.

Sacombank chỉ là điển hình cho những rắc rối trong thực hiện trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu chưa niêm yết.

Bất nhất từ việc thiếu chuẩn lập dự phòng

(ĐTCK) Kết quả lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Sacombank (STB) được Công ty Kiểm toán PriceWaterhouseCoopers (PWC) chấp thuận thấp hơn 133 tỷ đồng, tương đương hơn 10% so với kết quả lợi nhuận mà ngân hàng này công bố trước đó. Tỷ lệ hơn 10% không phải là con số nhỏ (theo Thông tư 38/2007/TT-BTC, mức chênh lệch từ 5% là DN phải có báo cáo giải trình) và dư luận có quyền đặt câu hỏi, đó có phải là sự cố tình của Sacombank để làm đẹp báo cáo tài chính?

Khoản chênh lệch 133 tỷ đồng lợi nhuận là do sự khác biệt về phương pháp trích lập dự phòng giảm giá đối với loại cổ phiếu chưa niêm yết không có giá giao dịch trên thị trường hoặc giá không đủ cơ sở tin cậy.

Sacombank sử dụng phương pháp chiết khấu dòng cổ tức dự kiến thu được trong tương lai so sánh với giá trị sổ sách. Nếu giá thấp hơn giá trị sổ sách thì STB trích lập dự phòng. Còn PWC chọn trích lập bằng cách so sánh giá thị trường so với giá trị sổ sách. Giá thị trường được xác định là giá từ bảng giá tham chiếu của các công ty chứng khoán hoặc so sánh xu hướng với cổ phiếu cùng ngành.

Theo ông Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Câu lạc bộ Giám đốc tài chính (CFO), phương pháp chiết khấu dòng cổ tức phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, vì nó dựa trên giả định là DN sẽ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, trả cổ tức bao nhiêu trong các năm tới. Chọn mức dự kiến tăng trưởng là 8% hay 10% thì giá trị hợp lý xác định theo chiết khấu dòng cổ tức đã khác nhau rất nhiều. Ngay cả khi giả định mức trả cổ tức trung bình dựa trên tăng trưởng bình quân các năm trước của DN thì cũng có thể lập luận quá khứ là quá khứ, còn chiết khấu dòng cổ tức là dự tính cho tương lai. Ông Nam cho rằng, nếu xác định trích lập dự phòng theo giá thị trường thì đáng tin cậy hơn.

Ông Lê Đạt Chí, Trường đại học Kinh tế TP. HCM lại cho rằng, đối với cổ phiếu OTC không có giá giao dịch trên thị trường thì việc xác định giá dựa trên so sánh với xu hướng giá cổ phiếu cùng ngành chỉ là phương pháp tương đối, không phải phương pháp định giá cổ phiếu. Hầu như các DNNN cổ phần hóa đều xác định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức. Xét cho cùng, đầu tư lâu dài vào một công ty, nhà đầu tư chiến lược coi cổ tức là nguồn thu chính, là lợi ích lâu dài. Vì thế, STB cũng có lý khi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng cổ tức để xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu OTC nếu khoản đầu tư của STB là khoản đầu tư chiến lược.

Kinh nghiệm xác định giá trị hợp lý cổ phiếu OTC của Dragon Capital, theo ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Quỹ này là xác định giá dựa trên giá tham chiếu bình quân ở 4 công ty chứng khoán. Nếu cổ phiếu không có giao dịch, sử dụng phương pháp tính giá trị sổ sách. Nhưng sử dụng nguyên tắc nào cũng sẽ được trình với công ty kiểm toán trước, kiểm toán chấp nhận mới làm.

Như vậy STB và công ty kiểm toán đã không thống nhất một phương pháp lập dự phòng ngay từ đầu, dẫn đến kết quả lợi nhuận chênh lệch gây ra các băn khoăn lo ngại cho nhà đầu tư.

STB chỉ là điển hình cho những rắc rối trong thực hiện trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu chưa niêm yết ở các công ty niêm yết, công ty đại chúng hiện nay do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. DN và công ty kiểm toán có sự khác biệt về quan điểm trong trích lập dự phòng. Có trường hợp, cùng trích dẫn một văn bản của Bộ Tài chính, ở những điều khác nhau, kiểm toán thì cho rằng, DN phải trích lập dự phòng do giá thị trường đã giảm, còn DN thì bảo đây là khoản đầu tư chiến lược nên không phải trích lập. Chẳng hạn, CTCP Bông Sen đã không trích lập dự phòng 21 tỷ đồng chênh lệch giá vốn và giá thị trường khoản đầu tư dài hạn vào CTCP Quê Hương Liberty. Lý do, đây là khoản đầu tư dài hạn với mục đích liên kết, mở rộng hoạt động kinh doanh, trong khi hoạt động của CTCP Quê hương Liberty có mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận khá cao, từ 30% trở lên…

Một số DN khác đã chuyển các khoản đầu tư cổ phiếu (chưa bán được) thành các khoản đầu tư dài hạn để tránh lập dự phòng. Theo ông Nam, các chuẩn mực kế toán Việt Nam nói rất ít về trích lập dự phòng, nhưng theo hướng dẫn ghi chép về tài sản và trong chuẩn mực kế toán quốc tế thì tất cả các khoản đầu tư kể cả dài hạn cũng phải dự phòng khi giá thị trường giảm xuống.

Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần sớm có hướng dẫn nguyên tắc chung về trích lập dự phòng cổ phiếu chưa niêm yết. Nhìn về tổng thể, việc trích lập dự phòng hợp lý, cẩn trọng, an toàn là rất cần thiết. Việc trích lập dự phòng đầy đủ sẽ đảm bảo quyền của chủ nợ. Đối với DN, trích lập dự phòng làm giảm số thuế thu nhập phải nộp trong năm, có nguồn tiền để lại hoạt động sản xuất - kinh doanh (như STB sẽ giảm được 25% thuế thu nhập của 100 tỷ đồng lợi nhuận chênh lệch).

Nếu như việc trích lập dự phòng làm lợi nhuận DN giảm mạnh hoặc âm dẫn đến sụt giảm giá cổ phiếu trên thị trường, suy giảm lòng tin của cổ đông thì DN nên công khai minh bạch thông tin để nhà đầu tư tự định giá cổ phiếu dựa trên xác định mức độ giảm giá, mức độ rủi ro có thể có với các khoản đầu tư phải lập dự phòng. Đây là cách mà công ty như REE, SAM đã làm trong thời gian qua.