"Bóng đen" trên TTCK toàn cầu: TTCK Việt Nam bình yên hay sóng gió?

"Bóng đen" trên TTCK toàn cầu: TTCK Việt Nam bình yên hay sóng gió?

(ĐTCK-online) Cơn "bão" tài chính Mỹ đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu, nhiều định chế tài chính - ngân hàng với hàng trăm năm hoạt động đã và đang đứng trước thảm họa phá sản. Thứ Hai vừa qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm trong hơn 4 năm qua. Tại nhiều TTCK châu Âu và châu Á, các chỉ số chứng khoán lớn cũng sụt giảm từ 3 - 11% chỉ trong 1 ngày. Tại TTCK Việt Nam, DN niêm yết sắp đến kỳ công bố báo cáo quý III/2008, nhưng mối quan tâm nhất lúc này chính là việc liệu các DN nói riêng, TTCK Việt Nam nói chung có trụ vững trước cơn bão trên TTCK Mỹ, châu Âu và châu Á? ĐTCK đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích CTCK Bản Việt

Trong tuần qua, TTCK Việt Nam đã có biến động cùng chiều với TTCK Mỹ. Tác động có thể thấy rõ nhất đó là nguồn vốn của khối ngoại vào thị trường Việt Nam không dồi dào như trước và gần đây, họ trở thành đối tượng bán thuần (thay vì mua thuần như trước). Điều này cho thấy, nguồn lực nâng đỡ thị trường trong thời gian tới chủ yếu sẽ phụ thuộc vào NĐT trong nước.

Thời gian tới, các thông tin ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam sẽ là khả năng điều chỉnh giá xăng, dầu, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng và giảm lãi suất cho vay, việc công bố kết quả kinh doanh quý III và việc niêm yết của nhiều công ty lớn. Có thể thị trường sẽ xác định xu hướng rõ ràng hơn vào thời điểm cuối tháng 10, sau khi kết quả kinh doanh quý III của các công ty niêm yết được công bố, thông tin về tình hình vĩ mô trong nước được khẳng định và TTCK thế giới ổn định hơn. Do đó, thời điểm hiện nay chưa phù hợp với NĐT nhắm đến lợi nhuận ngắn hạn, khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm do sự tương quan với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, VN-Index sẽ ngừng giảm khi NĐT nhận ra rằng, tâm lý bi quan hiện tại có đôi chút không hợp lý và mức giá khá hấp dẫn của các cổ phiếu tốt.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng bộ phận Phân tích - Đầu tư CTCK DN nhỏ và vừa - Chi nhánh TP. HCM

Thị trường bước vào quý IV với những lo âu khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong khi kinh tế thế giới được dự báo sẽ trở nên khó khăn hơn sau khủng hoảng tài chính tại Mỹ. TTCK Việt Nam không chịu tác động trực tiếp từ TTCK thế giới, nhưng sẽ chịu tác động gián tiếp từ những khó khăn đang đè lên vai DN. Chúng tôi tính toán, riêng sàn HOSE có khoảng 30/160 công ty có tổng doanh thu lũy kế 4 quý, từ quý III/2007 đến quý II/2008 (tính trên số công ty công bố đủ 4 báo cáo tài chính) giảm so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra còn nhiều công ty tuy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm.

TTCK Việt Nam tuy trước mắt có thể sẽ còn rớt điểm, nhưng hy vọng sẽ bật lên vào cuối năm. Nếu phân tích kỹ thuật, thị trường đang trong xu hướng đi xuống. Hiện lãi suất cho vay còn cao, chi phí của DN thường tăng vào cuối năm nên lợi nhuận có thể giảm thêm, kinh tế nước ta vẫn còn một số khó khăn, kinh tế thế giới được dự báo không mấy sáng sủa cho cả năm 2009… Ngoài ra, việc đóng thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán và một số DN lớn chuẩn bị lên sàn cũng khiến NĐT e ngại. Còn lý do để hy vọng cho sự bật lên vào cuối năm tập trung vào mức giá hấp dẫn của các DN lớn và P/E forward 2008 ở mức thấp.

Ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư CTCK Vincom

Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến TTCK trong thời gian tới là tăng trưởng kinh tế và chúng ta thấy, hiện nay tăng trưởng kinh tế đang chậm lại do ảnh hưởng của chính sách kiềm chế lạm phát. Ở góc độ vi mô, một số công ty nhỏ gặp khó khăn thực sự khi chi phí đầu vào tăng cao, kết quả kinh doanh không như mong đợi. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với DN nhỏ, DN lớn sẽ vượt qua được.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng thời gian qua dựa vào 2 yếu tố xuất khẩu và đầu tư. Về tình hình đầu tư, có thể thấy, lượng vốn FDI đăng ký cao bất thường trong điều kiện hiện tại. Tình hình xuất khẩu được dự báo sẽ giảm do thị trường tiêu thụ ở nước ngoài chậm lại do suy thoái kinh tế toàn cầu. Cả 2 yếu tố này đều cần phải thận trọng định lượng để đưa ra dự báo chính xác.

Giá cổ phiếu của một số công ty mạnh cũng giảm theo xu hướng chung. Các NĐT nhỏ với mục đính tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn cần hết sức thận trọng, thị trường có thể tăng trở lại, nhưng xu hướng chủ đạo chưa rõ ràng.

Ông Tống Minh Tuấn, Phó phòng Phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong quý IV/2008 và có lẽ là cả năm 2009, kinh tế thế giới sẽ bước vào một giai đoạn khó khăn: lạm phát cao và tăng trưởng chậm. Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính sẽ kéo kinh tế Mỹ và châu Âu bước vào thời kỳ tăng trưởng rất thấp. Đây là 2 thị trường xuất khẩu chủ chốt của nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Do vậy, triển vọng TTCK Việt Nam thời gian tới đương nhiên chịu ảnh hưởng từ những yếu tố này. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô trong nước đã ổn định trở lại, tạo tâm lý tốt cho NĐT. Bài toán khó khăn nhất là lạm phát đã và đang được giải quyết. Theo tôi, nội tại nền kinh tế Việt Nam tương đối ổn định, nhưng yếu tố tác động từ bên ngoài vẫn là một ẩn số.

Quý IV, bức tranh kinh tế vĩ mô có thể sẽ sáng sủa hơn so với hồi đầu năm. Tổng hợp các yếu tố trong và ngoài nước, tôi cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang ở mức 450 điểm và có thể đạt mức 500 điểm vào thời điểm cuối năm.

Ông Đào Hữu Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Click&Phone

Tuy chịu ảnh hưởng của cơn bão tài chính Mỹ, nhưng TTCK Việt Nam vẫn đang có nhiều yếu tố tích cực như: tình hình kinh tế trong nước đang tốt dần lên; đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh về lượng vốn đăng ký lẫn lượng giải ngân; Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại, nhờ đó lãi suất cho vay đang giảm dần; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm trong các tháng cuối năm…

Với những yếu tố này, theo tôi, TTCK Việt Nam trong quý IV sẽ có diễn biến như sau: đầu quý IV, thị trường vẫn biến động mạnh theo xu hướng đi xuống chung của thị trường quốc tế; ngoài ra, đây là thời điểm nhiều DN niêm yết công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý III, nhưng nhiều khả năng sẽ không đạt được như dự kiến. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của DN niêm yết trong quý IV sẽ có triển vọng tốt hơn so với quý III do các chính sách của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả. Trong quý IV, kết quả kinh doanh của DN nhiều khả năng tốt hơn so với quý III. Đây chính là yếu tố tích cực khiến thị trường sẽ bật lên vào cuối quý IV/2008 và đầu năm 2009.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

TTCK Việt Nam đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ. VN-Index có lúc tụt xuống dưới 370 điểm, rồi lại vọt lên trên 550 điểm, nhưng không duy trì được lâu. Nguyên nhân chính là do kinh tế vĩ mô trong nước vẫn chưa thực sự ổn định. Lãi suất huy động và tín dụng hiện vẫn còn cao, DN thiếu vốn sản xuất, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, những biến động bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và sự sụp đổ của các định chế tài chính hàng đầu tại Mỹ cũng tác động không nhỏ đến tâm lý NĐT tại TTCK Việt Nam.

Chỉ còn một quý nữa là kết thúc năm 2008. Khó thể hy vọng về sự biến đổi thần kỳ trong một thời gian ngắn như thế. Kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng suy giảm và trì trệ do tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính. Nguồn vốn của nhà ĐTNN vào Việt Nam trong quý IV có thể giảm. Trong khi đó, nguồn vốn nội địa vẫn khan hiếm, do lãi suất huy động và cho vay ở mức cao. Khả năng huy động vốn trên TTCK là rất khó. Tuy nhiên, quý IV cũng là thời điểm kinh doanh tốt của các DN, vì đây là mùa tiêu dùng, lễ tết. Vì vậy, DN trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu (không đầu tư tài chính, bất động sản) sẽ duy trì được sự tăng trưởng tốt. Các DN trong lĩnh vực dầu khí cũng sẽ có kết quả kinh doanh tốt do giá dầu thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao. Nhiều khả năng VN-Index dừng ở mốc 400 - 450 điểm tại thời điểm cuối năm 2008.

Ông Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính DN, Trường đại học Kinh tế TP. HCM

TTCK đang phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Thứ hai, ở trong nước, tín dụng cho DN được nới lỏng hơn, song ngân hàng chưa phải là kênh hỗ trợ vốn cho DN. Chỉ những DN lớn, mạnh mới có khả năng vay vốn, còn DN nhỏ chưa thể tiếp cận vốn vay. Thứ ba, báo cáo quý III của các DN như thế nào? Nếu lợi nhuận quý III "ru ngủ" được NĐT thì thị trường có thể đi lên. Hiện nay, chỉ số P/E của một số DN như VNM, HPG, DPM còn thấp.

Theo tôi, hiện nay có quá nhiều thông tin không chính thức làm ảnh hưởng đến thị trường. Chẳng hạn, con số về số DN nhỏ và vừa có thể phá sản khiến NĐT hoảng hốt, vì DN phá sản đồng nghĩa nợ xấu ngân hàng tăng lên, bức tranh kinh tế có thể còn xấu hơn nữa. Vì thế, nên đưa ra quy chuẩn cơ quan nào được đưa ra số liệu thống kê về những vấn đề này. Nếu ai cũng đưa ra con số thống kê thì thị trường không biết tin ai.

Biến động của các chỉ số chứng khoán toàn cầu