Ảnh: BusinessWeek

Ảnh: BusinessWeek

“Bóng ma” Lehman Brothers: Đừng quá hoảng loạn

(ĐTCK-online) Sự sụp đổ của Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư lớn ở Mỹ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam như thế nào? Sự sụt giảm của thị trường và việc bán tháo cổ phiếu đang diễn ra có hợp lý hay không? Phóng viên Đầu tư Chứng khoán đã phỏng vấn nhanh các chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán và chuyên gia chứng khoán về vấn đề này.

 Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK):

Ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính Mỹ tới các TTCK thế giới là điều khó tránh khỏi nhưng liệu rằng tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có chịu áp lực buộc phải bán cổ phiếu hay không thì điều này cần phải theo dõi, phân tích chứ không thể dự đoán chung chung được. UBCK cũng đã hoàn thiện Đề án chống khủng hoảng trên TTCK, trong đó lượng hóa những dấu hiệu, tình huống để mình có thể có ứng phó phù hợp. Đây cũng là kinh nghiệm của các thị trường đi trước và chúng tôi đã trình Bộ Tài chính, Chính phủ rồi.

 

Ông David Ying, Phó chủ tịch Hãng thông tin Systex Corporation (Đài Loan):

Tôi cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Mỹ có tác động tới tâm lý nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam song không mạnh. Đúng là một tuần trước đây, không ai nghĩ Lehman Brothers lại có thể rơi vào tình cảnh như vậy, nhưng tôi không cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải bán cổ phiếu để lấy tiền trang trải cho những chi phí ở nước họ. Các khoản đầu tư tại Việt Nam không lớn, có thể nhà đầu tư tại Hồng Kông phải bán bớt cổ phần, nhưng tại Việt Nam thì không. Hơn nữa, các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam vẫn hoạt động tốt nên không có lý do gì khiến họ phải bán lỗ quá nhiều. Tôi cho rằng, TTCK Việt Nam chưa đủ chuyên nghiệp để có sự liên thông mạnh mẽ với khủng hoảng trên các thị trường tài chính thế giới. Thực tế từ đầu năm đến nay cho thấy diễn biến khá trái ngược của TTCK Việt Nam, lúc thị trường Mỹ có dấu hiệu hồi phục vào tháng 4, tháng 5 là lúc TTCK Việt Nam lao thẳng xuống đáy 366 điểm, còn vừa qua TTCK thế giới sa sút thì TTCK Việt Nam lại tăng mạnh.

 

Bà Hoàng Thị Hoa, Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt:

Sự sụp đổ của các ngân hàng đầu tư lớn ở Mỹ tác động dây chuyền khiến các TTCK lớn trên thế giới đều giảm điểm và thị trường Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, tác động từ thị trường tài chính Mỹ rất yếu. Sự sụt giảm của thị trường chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư lo sợ hiệu ứng lây lan sẽ tác động đến Việt Nam . 

Cần thấy rằng, có sự khác biệt trong cấu trúc của thị trường tài chính Mỹ với Việt Nam . Ở thị trường Việt Nam , hợp đồng vay mua nhà thường chỉ liên quan đến người vay và ngân hàng. Còn ở thị trường Mỹ đã phát triển quá mức, mối liên hệ giữa người vay mua nhà trả góp và ngân hàng chỉ là hình thức liên hệ thứ nhất. Các ngân hàng còn phát hành những khoản nợ này thành trái phiếu bán cho các công ty, tổ chức đầu tư khác.

Vì thế, ở Mỹ, khi thị trường bất động sản khủng hoảng, chuỗi liên kết này bị gẫy, lan ra các thị trường lớn vì ngân hàng, tổ chức đầu tư ở các nước phát triển cũng đầu tư cổ phiếu, trái phiếu ở thị trường Mỹ. Còn Việt Nam, mức độ hội nhập chưa sâu nên ảnh hưởng ít. Việc nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu là do tâm lý lo sợ, khi bình tĩnh trở lại thị trường sẽ phục hồi. VN-Index 430 điểm đã là mức mà nhiều người kỳ vọng cho đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở thị trường nước ngoài có thể khiến nguồn vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam không được dồi dào. Nguồn tiền của các tổ chức đầu tư ở Việt Nam cũng là tiền từ các công ty mẹ ở nước ngoài. Nếu các công ty ở nước ngoài khó khăn thì công ty con ở Việt Nam cũng phải dè dặt trong đầu tư. Điều này làm hạn chế nguồn cung của thị trường, làm cho TTCK khó có thể tăng quá nhanh như vừa qua.

 

Ông Phan Tuấn Anh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vincom:

TTCK Việt Nam giảm giá mạnh do ảnh hưởng chung của TTCK thế giới, điều này là dễ hiểu. Sự khủng hoảng của thị trường nước ngoài có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam , nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư thêm. Vì thế, nhà đầu tư càng e ngại kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp xuống thấp.

Thị trường tăng giá vừa qua chủ yếu là do nhà đầu tư trong nước, còn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong khi đó, tôi lo ngại rằng, sự sụp đổ của các tổ chức đầu tư lớn ở Mỹ tác động đến quyết định đầu tư của các tổ chức đầu tư. Liệu họ có hạn chế đầu tư ở thị trường có tính rủi ro cao như ở Việt Nam không?

Tới đây, chúng tôi sẽ đánh giá tác động của suy thoái kinh tế đến các ngành khác nhau qua nghiên cứu tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đầu ngành đó. Các cổ phiếu nhà đầu tư nên lựa chọn là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính tốt trong dài hạn. Tại Việt Nam , xét về cơ bản những ngành du lịch, xuất khẩu dịch vụ, bất động sản vẫn thu hút được các nguồn vốn đầu tư. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cổ phiếu bị định giá thấp do bị sợ hãi quá mức như cổ phiếu ngành thép hay xi măng, vì  những cổ phiếu này có khả năng quay đầu trở lại bất ngờ và nhanh.

 

Ông Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM:

Ở tâm bão, TTCK sau một đợt điều chỉnh giảm đã tăng nhẹ trở lại. Ở thị trường Việt Nam - nơi ít bị ảnh hưởng của "bão", kinh tế vĩ mô đang ổn định ngày một tốt hơn thì không có lẽ nhà đầu tư cứ hốt hoảng mãi. Thị trường sẽ tăng trở lại là hết sức bình thường.

Nhưng thị trường khó tăng cao vì nguồn vốn bị hạn chế do suy thoái kinh tế và số doanh nghiệp niêm yết từ nay đến cuối năm rất đáng lưu ý, trong đó có những doanh nghiệp sẽ thay thế các blue-chip trên sàn hiện nay. Để đảm bảo an toàn trong ngày đầu tiên giao dịch, biên độ giảm giá tới 20%, có cổ phiếu sẽ được xác định giá chào sàn cao, khi giá giảm sẽ ảnh hưởng đến VN - Index.

Ngay cả khi kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiêp khả quan thì VN - Index cũng khó tăng tới 600 điểm, vì nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Trong quý III, điều đáng lưu ý là nhiều khoản vay của doanh nghiệp đến thời kỳ đáo hạn. Điều này sẽ được thể hiện trên báo cáo tài chính quý của doanh nghiệp.

Nếu không có tác động từ sự sụp đổ của tổ chức tài chính ngân hàng lớn ở Mỹ thì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ở mức trên dưới 500 điểm. Âu đây là bài học cho nhà đầu tư quá say xưa với thông tin trong nước mà quên đi thị trường nước ngoài. Hôm nay, nhiều người giật mình thì thị trường điều chỉnh quá sâu rồi.