Hy vọng về đợt sóng lớn đã khiến một số nhà đầu tư chấp nhận mua bất cứ cổ phiếu nào còn dư bán.

Hy vọng về đợt sóng lớn đã khiến một số nhà đầu tư chấp nhận mua bất cứ cổ phiếu nào còn dư bán.

Cẩn thận kẻo… say sóng

(ĐTCK-online) Những phiên giao dịch vừa qua, khi TTCK tăng điểm mạnh, không ít NĐT không kiềm chế được vị thế "mua" của mình. Hy vọng về đợt sóng lớn đã khiến một số NĐT chấp nhận mua bất cứ cổ phiếu nào còn dư bán. Lịch sử cho thấy, việc này có thể khiến họ rơi vào tình trạng "say sóng".

Với thông tin sẽ đóng cửa sàn vàng vào hạn chót là cuối quý I, cộng thêm việc cơ quan quản lý sẽ sớm cho phép NĐT được bán chứng khoán vào ngày T+2, ngân hàng đang mở lại tín dụng…, nhiều NĐT kỳ vọng về một con sóng dài vượt đỉnh cũ sẽ diễn ra. Chính vì vậy, hầu như "thượng vàng hạ cám" trên sàn đã được NĐT dốc túi mua vào. Nhưng "cơn say nắng" giữa mùa Đông dường như không kéo dài. Chỉ sau 1 phiên tăng điểm mạnh mẽ của ngày đầu năm 2010, dấu hiệu phân hóa đã diễn ra trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi màu đỏ (giảm giá) đã xuất hiện, đan xen với màu xanh và màu tím (tăng giá) trên bảng điện tử. Sự mừng vui chưa được bao lâu thì tâm lý thấp thỏm lại tái diễn.

Trên thực tế, không ít mã chứng khoán có P/E năm 2009 và cả P/E forward đang ở mức trên trung bình chung của thị trường. Ví dụ, trường hợp của RIC, cổ phiếu của CTCP Quốc tế Hoàng Gia. Với vốn điều lệ 565,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2009 là 19,8 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) là gần 350 đồng, thì với mức giá 39.900 đồng/CP đóng cửa ngày hôm qua (5/1), để P/E năm 2009 của cổ phiếu RIC ở mức bình quân thị trường (khoảng 17 lần), thì EPS trong quý IV/2009 phải đạt 2.000 đồng. Đây cũng là con số cần có để RIC hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đã đưa ra từ đầu năm là 157,5 tỷ đồng. Liệu trong quý IV, Công ty có tạo sự đột biến như vậy không? Đến bây giờ, NĐT vẫn chưa có tín hiệu nào rõ ràng, nhưng nhờ diễn biến thị trường tích cực, cổ phiếu RIC cũng đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp!

Một trường hợp khác là cổ phiếu VPL của CTCP Du lịch Vinpearlland. 9 tháng đầu năm 2009, EPS của VPL là 917 đồng, nhưng giá cổ phiếu này đóng cửa phiên ngày hôm qua tăng trần, lên mức 52.500 đồng/CP. Để giá cổ phiếu VPL về mức ngang mặt bằng chung thị trường thì lãi sau thuế của VPL năm 2009 phải đạt khoảng 300 tỷ đồng. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, con số này mới chỉ đạt 91,655 tỷ đồng và quý IV không phải là thời gian cao điểm của hoạt động kinh doanh chính của VPL.

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp giá cổ phiếu đạt mức tăng ấn tượng do tác động chung của thị trường, nhưng vẫn chỉ thuộc hàng “tầm tầm” so với một trường hợp đã được nhắc đến khá nhiều là cổ phiếu SQC của CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn. Có thể, NĐT vẫn nhìn thấy ở đâu đó cơ hội kiếm lời theo kiểu "mua đắt để bán đắt hơn", hoặc nhìn thấy những tiềm năng mà bản thân dữ liệu trong quá khứ chưa thể phản ánh. Nhưng với tiêu chí "an toàn là trên hết" thì thông tin chung tốt là tốt, nhưng tốt hơn nếu không để rơi vào tình trạng "say sóng".