Chuẩn hoá dữ liệu nhà đầu tư, "thượng đế" kêu trời!

Chuẩn hoá dữ liệu nhà đầu tư, "thượng đế" kêu trời!

(ĐTCK-online) Trong khi VSD đang nỗ lực để khoảng 2 - 3 tháng nữa sẽ hoàn tất việc chuẩn hoá dữ liệu về NĐT, thì "thượng đế" vẫn hàng ngày đối mặt với những chuyện "dở cười, dở khóc".

Việc chuẩn hoá dữ liệu thông tin về NĐT của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đang gây ra không ít "phản ứng phụ" đối với các CTCK, NĐT, nhất là mỗi khi TTCK biến động mạnh như chứng khoán lên xuống hàng ngày nhưng không bán được, NĐT thường xuyên truy vấn CTCK về việc lưu ký chứng khoán chậm, CTCK "vật vã" với mớ công văn của VSD yêu cầu sửa những lỗi rất máy móc, tốn nhiều thời gian. Trong khi VSD đang nỗ lực để khoảng 2 - 3 tháng nữa sẽ hoàn tất việc chuẩn hoá dữ liệu về NĐT, thì "thượng đế" vẫn hàng ngày đối mặt với những chuyện "dở cười, dở khóc".

Mặc dù trước khi đưa hệ thống nghiệp vụ mới vào vận hành cuối tháng 4 vừa qua, trong đó có chức năng quản lý thông tin sở hữu chứng khoán chi tiết của NĐT, VSD đã tập dượt khá kỹ với các CTCK, nhưng khi bắt tay vào "làm thật" mới thấy phát sinh nhiều phức tạp. Hệ quả của tình trạng này là đến nay có không ít chứng khoán của NĐT bị "treo" chưa lưu ký được.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) cho biết, không ít chứng khoán của NĐT mà Công ty đã hoàn tất thủ tục lưu ký gửi cho VSD, nhưng đến nay vẫn chưa được lưu ký. Điều này khiến TVSI rất khó xử, bởi thường xuyên bị khách hàng truy hỏi tại sao việc lưu ký chứng khoán diễn ra chậm. Trong tình huống đó, TVSI chỉ biết giải thích để NĐT thông cảm và chờ đợi thêm, do VSD vẫn đang trong quá trình chuẩn hoá dữ liệu thông tin về NĐT.

"Hệ luỵ rõ nhất của tình trạng lưu ký chứng khoán chậm là những hôm TTCK lên xuống hàng chục điểm, việc bán hay không bán chứng khoán có thể khiến NĐT lãi hay lỗ hàng trăm triệu đồng. Đặt địa vị mình vào NĐT mới thấy, sự bức xúc của họ là hoàn toàn chính đáng. Ai là người chịu trách nhiệm về những thiệt hại của NĐT khi việc lưu ký chứng khoán chậm?", ông Cường đặt câu hỏi.

Tổng giám đốc một CTCK khác tại Hà Nội cũng bức xúc: Ban lãnh đạo Công ty đang phải chịu sức ép rất lớn từ phía NĐT, bởi nhiều chứng khoán đã hoàn tất thủ tục lưu ký gửi VSD cả nửa tháng nay, nhưng vẫn chưa được lưu ký, nên NĐT muốn bán cũng chẳng được. "Thậm chí, có NĐT đề nghị chúng tôi cho bán khống, để đảm bảo quyền lợi cho họ, nhưng Công ty đành năn nỉ NĐT thông cảm, nếu không Công ty sẽ bị phạt, rất mất uy tín", vị lãnh đạo này giãi bày.

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, nguyên nhân của tình trạng lưu ký chứng khoán chậm chủ yếu là do VSD phải đối mặt với một khối lượng công việc quá lớn, tập trung trong thời gian ngắn. Sự quá tải này dễ dàng được hình dung: trung bình một CTCK có khoảng 3 - 5 nhân viên trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến lưu ký chứng khoán cho NĐT, thì tại VSD, một cán bộ được giao xử lý công việc này cho vài CTCK. Có nghĩa là một nhân viên của VSD phải làm số việc của cả chục nhân viên của các CTCK, nên quá tải là tất yếu. Mặt khác, việc lưu ký chứng khoán chậm còn do cả phía VSD lẫn CTCK chưa thực sự "thuộc bài" khi chạy hệ thống mới, nên một số bước triển khai còn lúng túng.

Việc chuẩn hoá dữ liệu thông tin về NĐT còn gây nên một hệ luỵ khác cho các CTCK, đó là hàng ngày họ phải "vật vã" xử lý cả mớ công văn khẩn do VSD gửi đến, yêu cầu chỉnh sửa thông tin về NĐT. Trong đó, đáng chú ý có không ít công văn chỉ yêu cầu sửa những lỗi rất máy móc, mà lẽ ra VSD nên chủ động làm. Ông Cường dẫn chứng: có những lỗi sai sót rất nhỏ như khi viết tên NĐT lẽ ra phải là "H" thì nhầm thành "h"; hay khoảng cách giữa hai âm tiết trong tên NĐT, viết đúng chỉ là một dấu cách lại nhầm thành hai dấu cách, nhưng VSD đã gửi công văn khẩn yêu cầu CTCK chỉnh sửa. Điều đáng nói là cùng với việc phải gửi lại file dữ liệu đã chỉnh sửa thông tin cho VSD, CTCK phải đồng thời chỉ đạo nhân viên soạn thảo công văn, rồi lãnh đạo công ty trực tiếp ký trước khi gửi thông tin cho VSD, khi đó file dữ liệu gửi vào hệ thống của VSD trước đó mới có giá trị. Điều này tốn không ít công sức và thời gian cho cả VSD lẫn CTCK.

Trong bối cảnh việc chuẩn hoá dữ liệu thông tin về NĐT vẫn chưa có mốc thời gian phải hoàn tất, thì để giảm thiểu rủi ro cho chính mình, NĐT khi có kế hoạch giao dịch cổ phiếu, nhất là với những lô lớn, cần sớm đưa cổ phiếu vào lưu ký, tránh tình trạng dồn toa lưu ký vào sát thời điểm DN niêm yết. Theo kiến nghị từ các CTCK, để đẩy nhanh tiến độ chuẩn hoá dữ liệu thông tin về NĐT, các bước triển khai cần điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ông Cường đề xuất: cần "điện tử hoá" các dữ liệu giao dịch giữa CTCK và VSD theo cách làm của hệ thống ngân hàng, để giảm thiểu số lượng công văn, giấy tờ giao dịch giữa hai bên. Muốn vậy, cần có quy định công nhận chữ ký số, các file dữ liệu điện tử có giá trị mà không phải gửi kèm công văn, giấy tờ như hiện nay.