Chứng khoán: Cầm cự tới giữa năm sau

Chứng khoán: Cầm cự tới giữa năm sau

(ĐTCK-online) Những nhận định có tính hệ thống đầu tiên cho TTCK của năm 2012 đã được phát đi. Buồn là sự bi quan vẫn chiếm chủ đạo.

"Mừng ít, lo nhiều", là đánh giá khái quát mới nhất của các chuyên gia kinh tế khi nhìn nhận về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012. Từ thực tiễn này, đê vĩ mô ổn định rõ nét hơn, qua đo, hỗ trợ sự phục hồi lành mạnh của TTCK, nhiều ý kiến đề nghị cần sử dụng "liều thuốc" mạnh bên cạnh các giải pháp hiện tại.

Phát biểu tại Hội thảo "Thế giới và Việt Nam: dự báo năm 2012", do Công ty Vietnam CEO phối hợp với báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/12, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, bối cảnh chung của kinh tế Việt Nam năm 2012 khó khăn hơn nhiều so với năm 2011.

Lý do là bởi cơ sở cho tăng trưởng GDP trong năm 2012 yếu hơn so với các năm trước. Cùng với đó, dư địa chính sách để chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã bị thu hẹp đáng kể. Trong đó, liệu pháp tiền tệ gần như chạm trần, nên chỉ còn trông chờ vào chính sách tài khoá với hàm ý tập trung dịch chuyển việc giải ngân từ các lĩnh vực kém hiệu quả sang khu vực hiệu quả cao…

Với cách nhìn như vậy, ông Thiên cho rằng, để đạt được bước tiến rõ nét trong ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2012, cần triển khai một số giải pháp mạnh bên cạnh các biện pháp đang triển khai. Việc này nên được bắt đầu từ phát đi thông điệp chấp nhận trả giá để hạ nhanh lạm phát, bởi nếu không, sức sản xuất của nền kinh tế, của các DN sẽ bị suy kiệt, kéo theo một loạt hệ luỵ khó lường.

Với cách tiếp cận này, cần giảm mục tiêu tăng trưởng GDP xuống 3 - 4%, cao nhất là 5%, thay vì 6 - 6,5% như kế hoạch đề ra. Cùng với đó, nên đặt mục tiêu kéo lạm phát xuống 6 - 7% trong năm 2012. Chỉ làm như vậy thì lãi suất mới có thể giảm rõ rệt, qua đó, sớm hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn hiện tại, nhất là khôi phục lòng tin trong giới đầu tư và phục hồi các cơ sở tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

"Về dài hạn, cần giảm thu ngân sách xuống 22 - 23% GDP, đi liền với giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công, kéo thâm hụt ngân sách xuống 4%. Qua đó, tạo động lực để hỗ trợ khu vực DN tư nhân lớn mạnh bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…", ông Thiên nói.

Chia sẻ với quan điểm cần có các giải pháp mạnh để sớm ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, tránh lặp lại tình trạng lạm phát có tính "khứ hồi" như hiện tại, TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, Việt Nam nên thành lập Ủy ban Tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, mà trước hết là đầu tư công, DN Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại.

Chứng khoán: Cầm cự tới giữa năm sau ảnh 1

Cơ sở cho tăng trưởng GDP năm 2012 được dự báo yếu hơn so với các năm trước - Ảnh: Hoài Nam

Thực tiễn cho thấy, nếu giao nhiệm vụ này cho một bộ, ngành cụ thể thì khó đáp ứng được yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế với nhiều nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh hiện tại. Cùng với đó, cần khẩn trương cụ thể hoá kế hoạch và lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế để sớm mang lại hiệu quả.

Ông Lực còn nhìn nhận, khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và EU theo nhiều dự báo mới nhất cho thấy sẽ chưa có tiến triển tích cực trong năm 2012, nếu không muốn nói là có thêm nhiều dự báo u ám. Điều này có tác động hai chiều tới Việt Nam, trong đó, ở chiều tích cực là đang tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn từ các khu vực khủng hoảng sang thị trường các nước mới nổi, trong đo, có Việt Nam.

Năm nay, lượng kiều hối của Việt Nam đạt khá cao, khoảng 9 tỷ USD, tương đương 8% GDP… Bởi vậy, một khi kiên định theo đuổi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam sẽ có không ít cơ hội trong khó khăn, nhất là ở khía cạnh thu hút dòng vốn ngoại.

Tính toán của ông Lực cho thấy, hiện giá chứng khoán Việt Nam khá hấp dẫn. Đầu tháng 11/2011, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam là 6 lần, trong khi chỉ số này của MSCI thế giới là 10 lần. Điều này cộng với các yếu tố áp lực lạm phát đang giảm sẽ kéo lãi suất có xu hướng giảm; DN (khoẻ, yếu) được phân hóa rõ nét hơn trong năm 2012; tỷ giá ở xu thế ổn định hơn, tuy vẫn còn chịu không ít áp lực… sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK trong năm 2012.

"Cùng với thị trường bất động sản, TTCK Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ vào quý III/2012 do kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chính sách tài khoá và tiền tệ tiếp tục được duy trì tương đối chặt, nhưng linh hoạt hơn…", ông Lực dự báo.