Chứng khoán Việt Nam có thể tăng 65% trong năm 2013

Chứng khoán Việt Nam có thể tăng 65% trong năm 2013

Các đợt cắt giảm lãi suất có thể đảo ngược được tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp và giúp thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ.

 

Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam vốn là thị trường mất điểm nhiều nhất trong 5 năm qua. Nhưng giờ đây đang là thị trường tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay sau khi Ngân hàng Nhà nước cho rằng lãi suất giảm sẽ đảo ngược tình hình lợi nhuận các công ty sụt giảm mạnh nhất 3 năm.

Theo Samsung Asset Management, chỉ số VNIndex có thể tăng tới 65% trong năm 2013 sau khi tăng 24% kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay.  Trong khi đó, theo Eastspring Investments, các công ty tài chính và bất động sản sẽ dẫn đầu xu thế tăng điểm.

 

Trong khi chỉ số VN Index giảm 11% so với mức cao nhất của năm 2012 đạt được hôm 8/5 trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm bởi khủng hoảng nợ châu Âu, chỉ số này vẫn có diễn biến tốt hơn so với các chỉ số của 73 thị trường được Bloomberg theo dõi ngoại trừ chỉ số của Ai Cập và Venezuela.

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI Inc. xếp vào nhóm thị trường sơ khai với giá trị thị trường trung bình đạt khoảng 29 tỷ USD.

 

Trong khi đó, thị trường trái phiếu hiện đang có dấu hiệu có được niềm tin cao hơn khi các nhà hoạch định chính sách kiềm chế được tỷ lệ lạm phát đã từng ở mức cao nhất châu Á. Trái phiếu chính phủ 5 năm tăng giá, lợi suất giảm 287 điểm cơ bản, xuống còn 9,68% - mức giảm mạnh nhất trong số 43 nước được theo dõi bởi Bloomberg. VND thay đổi nhẹ, được giao dịch ở mức gần với 20.900 VND/USD trong suốt 15 tháng qua sau khi mất tới 18% trong 3 năm qua.

 

Tuy nhiên, theo Andrew Beal, người quản lý tiền tại quỹ Henderson Global Investors hiện đang quản lý 104 tỷ USD và đầu tư vào Việt Nam thông qua các quỹ đóng được niêm yết tại nước ngoài, thanh khoản là vấn đề lớn nhất hiện nay.

 

Trong khi đó,  Dominic Scriven , đồng sáng lập của Dragon Capital  cho rằng rất có thể Việt Nam sẽ hồi phục từ nay cho đến cuối năm bởi chính phủ chuyển trọng tâm từ kiềm chế lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ sẽ cắt giảm chi phí đi vay nhiều hơn nữa khi lạm phát xuống dưới 7% - mức thấp nhất kể từ năm 2009. Ông Scriven dự báo lợi nhuận của các công ty sẽ tăng 14% trong năm nay.

 

Theo dữ liệu của Bloomberg, trong khi chỉ số  VnIndex  tăng điểm giúp tỷ lệ P/E tăng từ mức 7,2 đầu năm nay lên 9,8, chỉ số này vẫn thấp hơn 34% so với mức trung bình 5 năm. Chỉ số VN Index đã giảm 60% trong 5 năm qua – mức giảm mạnh nhất trong số 17 nước châu Á mà Bloomberg theo dõi.

 

Theo ông Ngô Thế Triều, người quản lý 1 tỷ USD và là trưởng bộ phận đầu tư công tại Eastspring Investments, giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Dominic Scriven, các nhà đầu tư dài hạn sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên ở Việt Nam cùng với sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu bởi chi phí thấp so với Trung Quốc. Doanh số bán lẻ đã tăng 22% trong tháng 4, gần đạt mức trung bình 24% của năm 2005.

 

Khoảng 95% dân số Việt Nam ở tuổi dưới 65 và mức lương trung bình là 65 USD/tháng trong khi mức lương trung bình của Thượng Hải là 230 USD.

 

Theo số liệu từ EPFR Global, các quỹ của Việt Nam đã tiếp nhận 122 triệu USD từ đầu năm đến nay, tương đương với 13% tổng giá trị của các quỹ này. Theo bà Trần Thị Kim Cương, phụ trách chứng khoán tại Manulife Asset Management (Vietnam) Co, trong dài hạn nhà đầu tư vẫn rất lạc quan vào thị trường và tiếp tục mua cổ phiếu.