Cơ hội phía sau những thăng trầm

Cơ hội phía sau những thăng trầm

(ĐTCK-online) Sau thăng trầm sẽ là cơ hội. Cơ hội cho một giai đoạn phát triển mới chất lượng hơn, bền vững hơn. Đó là nhận định của giới chuyên gia và nhà quản lý TTCK đúc kết từ sự chuyển biến chung của nhiều TTCK thế giới. Nhận diện khó khăn, tồn tại và tìm giải pháp cho TTCK Việt Nam sớm vượt qua khó khăn cũng là điều mà các diễn giả muốn chia sẻ sau 8 năm hoạt động của thị trường.

Ông Lê Nhị Năng, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM

Sau 8 năm hoạt động, TTCK đang ở giai đoạn khó khăn, bởi chịu ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế vĩ mô trong nước và tình hình lạm phát tăng cao trên thế giới. Hầu hết TTCK thế giới đều trải qua giai đoạn thăng trầm, TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật. 

Trong giai đoạn khó khăn này, các DN đều chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều DN đã chú trọng hơn đến kiểm soát rủi ro cùng với hoạt động đầu tư phát triển, không quá mải mê với tăng trưởng và tìm kiếm lợi nhuận như trước. Nếu vượt qua khó khăn, các DN niêm yết sẽ phát triển vững chắc hơn và những bài học kinh nghiệm ngày hôm nay sẽ có ý nghĩa lớn cho sự phát triển lâu dài của DN.

Chính phủ đã có những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cần thời gian để biện pháp đó phát huy tác dụng. Vì thế, TTCK cũng cần có thời gian để ổn định, phục hồi. Tác động của việc tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ ảnh hưởng lên giá cả hàng hóa và tâm lý NĐT trên TTCK. Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến thị trường để đề xuất các biện pháp thích hợp. Tới đây, Sở tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc công bố thông tin của DN. Sau sự việc của CTCP Bông Bạch Tuyết vừa qua, Sở đang kiến nghị với Bộ Tài chính quy định rõ hơn về các khoản loại trừ trọng yếu và không trọng yếu trong báo cáo kiểm toán.

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt (DVSC)

Thực tế TTCK 18 tháng qua cho thấy, NĐT ngắn hạn theo trường phái "lướt sóng" chiếm ưu thế. Tại TTCK các nước phát triển, đầu tư ngắn hạn đem lại lợi nhuận ít hơn đầu tư dài hạn. Nhưng tại Việt Nam, TTCK mang đặc thù của một thị trường mới nổi, nên vẫn còn nhiều con sóng để NĐT "lướt".

Do đó, VN-Index tăng giảm chủ yếu do tâm lý NĐT hơn là giá trị nội tại của công ty niêm yết. Qua theo dõi dự đoán của nhiều tổ chức và chuyên gia, tôi thấy, hầu như chưa ai có thể dự đoán chính xác về VN-Index nhiều lần liên tiếp. Tuy vậy, tôi tin TTCK sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này để đạt mức 500 - 600 điểm vào cuối năm.

Vừa qua, nhà ĐTNN bán khá nhiều các mã SAM, VTO, TTP, VNE... với khối lượng lớn khiến NĐT trong nước lo ngại về một cuộc rút vốn ồ ạt. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhìn nhận hành động này hết sức bình thường. Thứ nhất, các quỹ luôn mua bán cổ phiếu hàng ngày nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Thứ hai, thời gian qua, một số quỹ cũng tham gia lướt sóng và thực tế cho thấy, họ cũng bị lỗ ít nhiều và phải cắt lỗ. Thứ ba, một số quỹ mua cổ phiếu với ý định thăm dò, sau khi không đạt được mục đích, họ đã bán ra. Tuy nhiên, những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp sẽ tiếp tục "chiến đấu" cho mục tiêu lợi nhuận của chính họ, vì thế sẽ giúp cho TTCK Việt Nam ổn định trong chặng đường dài.

Ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Tràng An (TAS)

TTCK Việt Nam sau 8 năm hình thành và phát triển đã đạt được những thành công đáng kể. Tuy vậy, TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Trong thời điểm này, ổn định tâm lý đối với mọi chủ thể tham gia thị trường là hết sức quan trọng. Đây cũng là cơ sở để củng cố niềm tin của NĐT. Bên cạnh đó, bản thân nội lực của thị trường vốn cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường chuyển biến theo hướng tích cực.

Có thể thấy, tính thanh khoản của TTCK hiện nay là một điểm hạn chế, khi giá lên thì khó mua, còn khi giá xuống thì khó bán. Để tăng tính thanh khoản, thị trường đòi hỏi phải có các CTCK làm nhà tạo lập thị trường đối với những cổ phiếu mà họ chịu trách nhiệm và UBCK nên sớm cho phép NĐT thực hiện các công cụ đầu tư mới, linh hoạt hơn như giao dịch ký quỹ (margin trading), mua bán trong cùng phiên...

Về phía TAS, chúng tôi sẽ chú trọng vào hoạt động tư vấn, phân tích và môi giới để phục vụ NĐT cũng như các DN. Tôi cho rằng, đây là thời điểm để các CTCK tập trung nâng cao chất lượng, đào tạo, sắp xếp đội ngũ nhân sự để chuẩn bị cơ hội khi thị trường khởi sắc.