Cổ tức doanh nghiệp: Đứng giữa dòng quyền lợi

Cổ tức doanh nghiệp: Đứng giữa dòng quyền lợi

(ĐTCk-online) Chia cổ tức, dù bằng tiền hay bằng cổ phiếu, luôn là vấn đề nóng trong các cuộc họp ĐHCĐ. Lãnh đạo DN có lý do khi đưa ra mức cổ tức cụ thể, nhưng hầu như cổ đông nào cũng muốn DN chia với tỷ lệ cao hơn. Tại một số DN, cổ đông lâu năm còn đòi hỏi phải được nhận cổ tức cao hơn so với cổ đông mới. Đáng lưu ý, yêu sách về cổ tức có liên quan đến mục đích đầu tư.

Cuối tuần trước, CTCP Thủy điện miền Nam (SHP) tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2009. Với một công ty hoạt động kinh doanh mang tính đặc thù ổn định của ngành điện, số cổ phần do các cổ đông lớn chiếm tới hơn 2/3, phiên nghị sự hứa hẹn diễn ra êm ả. Tuy nhiên, tại đại hội, phần chất vấn đã “nổi sóng” với nhiều góp ý xung quanh tỷ lệ chia cổ tức. Theo tờ trình tại đại hội, năm 2010, SHP sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%/mệnh giá.

Một cổ đông cá nhân từng là cổ đông sáng lập của SHP phát biểu, so sánh với nhiều CTCP khác, mức cổ tức của SHP quá thấp, điều này gây thiệt thòi với các NĐT đã góp vốn vào Công ty từ 6 năm nay. “Tại nhiều CTCP, NĐT góp vốn vào năm đầu tiên đã được chia mức cổ tức 10 - 15%, HĐQT Công ty nên xem xét một mức chia cao hơn để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông góp vốn khi so sánh với mặt bằng lãi suất tiết kiệm, tỷ lệ lạm phát…”, cổ đông này kiến nghị.

Cổ đông của SHP có lý lẽ của họ. Góp vốn bằng mệnh giá vào năm 2004, trong suốt 5 năm liền, tới năm 2009 các cổ đông của SHP mới được nhận cổ tức với tỷ lệ 3%. Trong quãng thời gian đó, giá vàng tăng gấp ba, giá bất động sản tăng mạnh, lãi suất tiết kiệm trên dưới 10%/năm… Kỳ vọng giá cổ phiếu tăng có vẻ xa vời khi có lúc giá cổ phiếu SHP giảm còn một nửa mệnh giá.

Một cổ đông khác của SHP đặt câu hỏi: “Tại sao những người góp vốn sau này hay nhận chuyển nhượng cổ phiếu cũng được hưởng cổ tức tương đương các cổ đông góp vốn cách đây 6 năm?”. Theo ý kiến của cổ đông này, các NĐT góp vốn ban đầu phải được hưởng mức cổ tức cao hơn các cổ đông đến sau!

Trả lời các chất vấn, Chủ tịch đoàn cho biết, năm ngoái, để trả được cổ tức cho các cổ đông, SHP phải sử dụng đến lợi tức tiền gửi ngân hàng. Bắt đầu từ ngày 26/1/2010, Nhà máy Thủy điện Đasiat mới vận hành thương mại, tạo ra doanh thu. Trong tháng 6/2010, dự án Đa Dâng 2 chạy thử tổ máy đầu tiên. Do đó, năm 2010 là năm đầu tiên SHP chính thức có thu nhập từ sản xuất điện. Thông tin này giải thích tại sao một CTCP như SHP có quy mô vốn điều lệ 770 tỷ đồng, nhưng năm 2009 lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 10,8 tỷ đồng và năm 2010 kế hoạch lợi nhuận là 26,4 tỷ đồng.

Hiện SHP đang triển khai 3 dự án thủy điện: dự án Đasiat có vốn đầu tư 340 tỷ đồng, dự án Đa Dâng 2 có vốn đầu tư 500 tỷ đồng, dự án Đam’bri có vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng (mới được chặn dòng vào tháng 2/2010). “Lợi nhuận những năm tới của SHP sẽ đến từ hai dự án đầu tiên. Nhưng quy mô vốn của Công ty đang được tính trên cả ba dự án, điều này khiến SHP không thể trả cổ tức tương xứng với sự kỳ vọng của các cổ đông ngay lập tức. Đầu tư thủy điện là lâu dài, chúng ta chỉ phải bỏ ra số vốn ban đầu, nhưng khai thác tới 20 - 30 năm. Sau khi hoàn thành, Công ty không cần bỏ thêm tiền, ngoài chi phí vận hành và bảo dưỡng. Đầu tư vào ngành điện là đầu tư lâu dài, nếu cổ đông nào nghĩ có thể thu lợi nhanh thì rất có thể đã nhầm”, Chủ tịch đoàn SHP nói.

Về cổ tức bằng cổ phiếu, mới đây, trả lời báo giới, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Nghị định 139 (hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp) cho biết, sẽ bảo vệ đến cùng ý tưởng “giá trị cổ phiếu thưởng được sử dụng thanh toán cổ tức theo giá thị trường tại ngày quyết định trả cổ tức”. Mục đích của ý tưởng này nhằm đến việc gắn chặt lợi ích của cổ đông với lợi ích lâu dài của công ty, tránh tình trạng cổ đông lạm dụng quyền biểu quyết để “rút ruột” DN.

Mặc dù có những ý kiến khác nhau, nhưng quan điểm trên là có lý nếu nhìn vào một số ví dụ sinh động trong mùa ĐHCĐ vừa qua. Chẳng hạn, về thông lệ, việc tăng vốn (trong đó có việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức) của các DN niêm yết được HĐQT nhóm họp và đưa ra ĐHCĐ để quyết định, tùy thuộc nhu cầu, tình hình tài chính và quản trị công ty. Tuy nhiên, một số DN vừa qua tăng vốn theo quy trình ngược: cổ đông bên ngoài đề nghị, ĐHCĐ thông qua!

Đại diện CTCP Bibica (BBC) tiết lộ, tờ trình thưởng cổ phiếu xuất phát từ đề nghị của một số cổ đông lớn trong nước, khi nhìn vào nguồn thặng dư của Công ty lên tới 302 tỷ đồng (vốn điều lệ 154,2 tỷ đồng). Nhóm cổ đông này kiến nghị, ban điều hành BBC nên phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 2:1. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc về tài chính, lãnh đạo BBC chỉ chấp nhận phương án 5:1.

Tại CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM), sau khi thất bại trong việc triệu tập ĐHCĐ lần 1, trên diễn đàn đã có nhiều thông tin về một cuộc vận động của nhóm cổ đông phía Bắc, kiến nghị nội dung chia thưởng cổ phiếu SAM. Giải thích với ĐTCK về nội dung tăng vốn có phần bất ngờ tại ĐHCĐ lần 2, ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SAM xác nhận, trước đại hội vài ngày, Ban điều hành SAM nhận được kiến nghị từ một nhóm cổ đông xin bổ sung nội dung chia thưởng cổ phiếu vào phiên nghị sự. Xét thấy đề nghị của các cổ đông là hợp lý nên SAM chấp nhận và coi như đây là một nội dung phát sinh thêm. Qua nhiều lần tranh luận, thuyết phục, đại diện cổ đông nhà nước tại SAM đã đồng ý với phương án chia thưởng theo tỷ lệ 1:1. Tương tự, tại ĐHCĐ của Gilimex, kế hoạch kinh doanh không nhận được nhiều ý kiến đóng góp, mà các thảo luận chủ yếu tập trung vào tỷ lệ chia thưởng cổ phiếu, hết 3:1 lại 2:1…

Có thể thấy, tại nhiều DN, đang có “độ vênh” giữa các cổ đông bên ngoài và ban lãnh đạo xung quanh việc khai thác lợi ích DN “ngắn” hay “dài”. Có yêu cầu có lý, nhưng cũng có yêu sách vô lý. Theo một số chuyên gia, hiện tượng “đầu cơ” cổ phiếu vẫn phổ biến, dù là “một phần tất yếu của TTCK”, nhưng sẽ không tốt và không nên để hoạt động này len lỏi vào tận công tác quản trị DN.