Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung tăng trưởng mạnh nhờ kết hợp được yếu tố đầu tư, tiết kiệm, linh hoạt

Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung tăng trưởng mạnh nhờ kết hợp được yếu tố đầu tư, tiết kiệm, linh hoạt

Cơn gió thuận cho bảo hiểm liên kết chung

(ĐTCK) Sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng văn bản hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đã được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 52/2016/TT-BTC. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo trợ lực tích cực cho sản phẩm bảo hiểm liên kết chung trong thời gian tới.

Dẫn đầu thị phần khai thác mới

Thông tư 52 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2016 sẽ thay thế Quyết định 96/2007/QĐ-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.

Thực tế, trước khi có văn bản hướng dẫn chính thức, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đã có sức sống khá mạnh ngay từ khi được khai sinh. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2015, việc tăng trưởng mạnh của các sản phẩm liên kết đầu tư (chủ yếu là bảo hiểm liên kết chung) cùng với việc giảm xuống của các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp đã khiến cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ thay đổi đáng kể. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư vươn lên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí khai thác mới (chiếm 49%), sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp lùi lại (chiếm 45,6%). Năm 2014, con số này lần lượt là 48,27% và 45,27%.

Về hoa hồng bảo hiểm, Thông tư 52 hướng dẫn: “Với thời hạn hợp đồng dưới 10 năm, tỷ lệ hoa hồng tối đa tính trên phí bảo hiểm (nộp phí bảo hiểm định kỳ) cho năm thứ nhất là 25%, năm hợp đồng thứ hai là 7%, các năm hợp đồng tiếp theo là 5%; với thời hạn hợp đồng trên 10 năm, năm hợp đồng thứ nhất là 40%, năm hợp đồng thứ hai là 10%, các năm hợp đồng tiếp theo là 10%...”.

So với “người anh em” cùng thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư là dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung cũng có sự nổi trội rõ rệt. Trong khi sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chỉ đạt 230 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm năm 2015, thì con số này của dòng sản phẩm liên kết chung là 13.021 tỷ đồng, trong đó, doanh thu khai thác mới ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2014, với gần 443.000 hợp đồng khai thác mới. Một trong các nguyên nhân dẫn tới kết quả này là có tới 13/17 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ triển khai sản phẩm liên kết chung, trong khi sản phẩm liên kết đơn vị chỉ có 3 DNBH triển khai.

Các DN có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung lớn trong tổng số lượng hợp đồng khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ, ACE, AIA, Hanwha, PVI Sunlife, BIDV Metlife…    

Sắp “qua mặt” sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp?

Việc dòng sản phẩm liên kết chung tăng trưởng mạnh, lấn át cả sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp trong năm qua được lý giải như một xu hướng tất yếu, do sản phẩm này kết hợp được cả yếu tố tiết kiệm, đầu tư, khả năng linh hoạt cao. Bảo hiểm liên kết chung cũng được được dự báo sẽ tiếp tục “lên ngôi” trong năm 2016, thậm chí vượt qua dòng sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp về tổng doanh thu phí bảo hiểm, nhất là khi đã có hành lang pháp lý chính thức được chi tiết hóa tại Thông tư 52. Năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 53,4%, tiếp đến là bảo hiểm liên kết đầu tư với 36,2%.

Bên cạnh đó, quy định: “DNBH triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phải có biên khả năng thanh toán lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 100 tỷ đồng; có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để quản lý và kiểm soát quỹ liên kết chung hiệu quả” tại Thông tư 52 sẽ góp phần tạo thêm sự tin cậy cho các khách hàng khi bỏ tiền mua sản phẩm này.

Ngoài ra, quyền lợi đầu tư của khách hàng được đảm bảo nhờ quy định: "DNBH có trách nhiệm công bố chính xác, đầy đủ và kịp thời cho bên mua bảo hiểm các thông tin liên quan đến hợp đồng. Thông tin này phải phù hợp với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được Bộ Tài chính phê chuẩn… DNBH phải thành lập một quỹ liên kết chung cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung của mình, tách riêng khỏi quỹ chủ sở hữu và các quỹ chủ hợp đồng khác, phải bảo đảm tổng giá trị của quỹ liên kết chung luôn không thấp hơn 50 tỷ đồng”.

Điều kiện hành nghề của đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết chung cũng gắt gao hơn so với các dòng sản phẩm khác (cụ thể, có ít nhất 3 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm hoặc đã có ít nhất 1 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng bảo hiểm hoặc tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực này; có chứng nhận hoàn thành khoá học về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung...), tạo tính chuyên nghiệp trong quan hệ với khách hàng, hứa hẹn tạo thêm nhiều hợp đồng mới.

Tin bài liên quan