Việt Nam là thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước thuộc nhóm thị trường đang nổi của thế giới.

Việt Nam là thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước thuộc nhóm thị trường đang nổi của thế giới.

“Cửa” phân phối còn nhiều “ổ khóa”

(ĐTCK-online) Theo báo cáo “Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu” do Tập đoàn Tư vấn phát triển A.T.Kearney vừa thực hiện, Việt Nam trở thành thị trường đầu tư bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước thuộc nhóm thị trường đang nổi của thế giới.

Gia Linh

A.T.Kearney cho rằng, ngoài yếu tố người tiêu dùng Việt Nam thuộc nhóm tiêu dùng trẻ của khu vực châu Á thì các chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ chính là động lực tốt để các nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam. Việc Bộ Công thương ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BTM hướng dẫn hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là một tin vui đối với các doanh nghiệp FDI.

Theo quy định, từ ngày 1/1/2009, Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để thực hiện dịch vụ phân phối, tuy nhiên không phải lĩnh vực nào cũng được mở ngay như vậy. Bởi trong cam kết gia nhập WTO, nhiều mặt hàng mà doanh nghiệp FDI muốn phân phối tại Việt Nam vẫn phải thực hiện theo lộ trình nhất định. Mặt hàng ôtô cũng nằm trong quy định này (đây là mặt hàng rất nhiều doanh nghiệp FDI thắc mắc về việc có được thực hiện theo quy định kể từ ngày 1/1/2009 hay không). Theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì mặt hàng ôtô chỉ được các doanh nghiệp FDI phân phối tại Việt Nam kể từ ngày 1/1/2010.

Ngoài ra, theo cam kết khi gia nhập WTO của Việt Nam về quyền phân phối, trong danh mục hàng hóa không được quyền phân phối có các mặt hàng lúa gạo, đường, thuốc lá và xì gà, dầu thô và sản phẩm dầu thô đã qua chế biến, dược phẩm, thuốc nổ, sách báo và tạp chí, kim loại và đá quý… Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập siêu thị tại Việt Nam sau ngày 1/1/2009 cũng không được bán các mặt hàng trên.

Do đó, các doanh nghiệp FDI khi thực hiện Thông tư số 09/2007/TT-BTM và Thông tư số 05/2008/TT-BCT cần lưu ý, quyền nhập khẩu và quyền phân phối là 2 hoạt động khác nhau, do vậy doanh nghiệp FDI, bên cạnh việc thực hiện quyền nhập khẩu, nếu đã đáp ứng lộ trình thực hiện quyền phân phối thì nên làm thủ tục bổ sung quyền phân phối theo quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề mà khá nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và phân phối cảm thấy bất bình là tình trạng khó khăn mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt trong việc xin phép kinh doanh nhập khẩu và phân phối. Theo phản ánh của các nhà đầu tư, dù đã có nhiều sửa đổi nhưng Thông tư 09/2007/TT-BTM và mới đây là Thông tư 05/2008/TT-BCT vẫn còn nhiều điểm chưa thể hiện rõ chính sách mở cửa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối. Quy định về lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất vẫn còn chung chung, chưa minh bạch nên doanh nghiệp rất khó thực hiện và phụ thuộc khá nhiều vào quyết định của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, việc xin cấp phép tham gia dịch vụ liên quan đến nhập khẩu và phân phối thương mại vẫn là một con đường dài đối với doanh nghiệp FDI.

Luật sư điều hành Managing Partner Vietnam, ông Frederick Burke cho rằng, còn tồn tại phân biệt đối xử khi cấp phép trong các lĩnh vực dịch vụ tổng hợp và hiện đại cho các công ty nhập khẩu. Cụ thể là dịch vụ lưu hàng hóa trong kho, lưu kho bãi, hàng trong kho, marketing và bán lẻ cho các công ty kinh doanh trong và ngoài nước. Một trong những rắc rối mà nhà đầu tư bán lẻ (trong toàn chuỗi cung cấp) là quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế. Định nghĩa này thiếu rõ ràng đối với các sở kế hoạch và đầu tư, vì vậy các sở này đã từ chối hồ sơ xin phép thành lập cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, khái niệm “bán lẻ” được định nghĩa quá rộng cũng gây thêm không ít khó khăn. Theo ông Burke, việc hạn chế cạnh tranh trong khâu cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ khiến giá cả bị đẩy lên cao hơn.