Chứng khoán là lĩnh vực đặc thù, nên trong thời gian ngắn, toà án không dễ am hiểu - Ảnh: Hoài Nam

Chứng khoán là lĩnh vực đặc thù, nên trong thời gian ngắn, toà án không dễ am hiểu - Ảnh: Hoài Nam

“Cửa” toà án vẫn đóng với nhà đầu tư nhỏ (bài cuối)

(ĐTCK-online) Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), việc hoàn chỉnh cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan hữu quan, chứ nếu chỉ UBCK và Bộ Tài chính khởi động thì những vướng mắc hiện tại khó có thể được giải quyết.

Bài 1: Đường tới toà sao quá xa!

Bài 2: Vì sao "cửa" toà vẫn đóng?

Bài 3: Chờ “cách mạng” từ Luật Chứng khoán

 

 

Bài cuối: Bao giờ cơ quan quản lý khởi động?

Trong bối cảnh Luật Chứng khoán (CK) sửa đổi, bổ sung mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7 tới thì không thể "lạc quan tếu" mong đợi sẽ sớm có những thay đổi về nội dung của Luật CK, nhất là các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án. Theo một lãnh đạo UBCK, phải đợi thế hệ Luật CK thứ nhất hoàn thành sứ mệnh lịch sử vào khoảng năm 2014, sau đó mới có thể có những nội dung thay đổi mang tính "cách mạng", trong đó có những quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp tại toà án được quy định trong thế hệ Luật CK thứ hai.

Về đề xuất của một số chuyên gia pháp lý rằng, trong lần sửa đổi tới, Luật CK cần quy định rõ cơ chế giải quyết tranh chấp tại toà án thì mới tạo thuận lợi cho NĐT bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, vị lãnh đạo UBCK cho rằng, đây là một ý kiến đáng quan tâm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước, cơ chế này chỉ phát huy hiệu quả khi kèm theo đó là thực thi một loạt giải pháp liên quan. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, trước mắt cần nâng cao năng lực xét xử của hệ thống toà án, cũng như hiệu lực thực thi các phán quyết của toà án. Bước tiến xa hơn là quy định rõ thẩm quyền điều tra, thậm chí xét xử vi phạm hành chính giống như chức năng mà Toà kinh tế đang thực thi cho UBCK.

Thực tiễn cho thấy, do chứng khoán là lĩnh vực chuyên môn đặc thù, nên trong thời gian ngắn, hệ thống toà án không dễ am hiểu sâu sắc các kỹ thuật chuyên môn. Thêm vào đó, khi xảy ra vi phạm trên TTCK, cần xử lý ngay, để đảm bảo tính răn đe, nên ở một số nước, ngoài việc trao thẩm quyền điều tra cho UBCK còn đồng thời trao luôn thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính cho cơ quan này. Nhờ đó, khi thụ lý giải quyết một vụ việc cụ thể, UBCK sẽ thành lập hội đồng xét xử với đại diện các thành viên là nhân sự UBCK, kèm theo đó là mời thẩm phán độc lập bên ngoài tham gia, nhằm đảo bảo tính công minh trong quá trình xét xử. Khi mô hình này được vận hành hiệu quả thì mới tạo thuận lợi cho NĐT giải quyết tranh chấp tại toà án.

Một số chuyên gia cho rằng, khi trình dự thảo thay thế Luật CK trong những năm tới, UBCK cần đề xuất phương án quy định trực tiếp các tội danh hình sự trên TTCK, kèm theo đó là các chế tài xử lý. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo UBCK, kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn áp dụng luật tại Việt Nam cho thấy, hướng xử lý này khó khả thi nếu không kèm theo một số quy định mang tính đặc thù của Việt Nam, bởi rất khó đưa ra khái niệm chuẩn xác và bao quát về các loại hành vi vi phạm hình sự trên TTCK. Hơn nữa, vi phạm hình sự trên TTCK luôn phát sinh các hành vi mới, nên nếu quy định "cứng" các tội danh hình sự trong Luật CK, khi xuất hiện hành vi vi phạm mới mà chưa được cập nhật trong Luật thì gần như không thể xử lý được. Bởi vậy, ý tưởng này chỉ có thể được nghiên cứu vận dụng khi trong phương án Luật CK mới có thêm điều khoản: ngoài các tội danh hình sự được quy định trong Luật CK, việc xử lý các tội danh hình sự trên TTCK còn phải căn cứ vào quy định của Chính phủ. Điều khoản mở này cho phép Chính phủ có điều kiện thường xuyên cập nhật các hành vi vi phạm hình sự mới trên TTCK, để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý vi phạm.

Đó là những giải pháp mang tính dài hơi, còn trước mắt, một số ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính nên phối hợp với Toà án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất hoạt động giải quyết tranh chấp xảy ra trên TTCK, nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tại toà. Nhưng đại diện UBCK cho biết, thông lệ các nước không làm như vậy. Với chức trách của mình, UBCK cho biết, luôn sẵn sàng phối hợp với hệ thống toà án trong quá trình giải quyết tranh chấp, đặc biệt là khi toà án có yêu cầu tham vấn UBCK về các vấn đề chuyên môn, nhằm hỗ trợ cho hoạt động giải quyết tranh chấp. Vấn đề mấu chốt hiện tại là cùng với sớm đơn giản hoá thủ tục giải quyết tranh chấp, cần nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp trên TTCK cho hệ thống toà án, để tạo thuận lợi cho NĐT khi giải quyết tranh chấp tại toà.