Đào tạo chứng khoán sẽ bài bản hơn

Đào tạo chứng khoán sẽ bài bản hơn

(ĐTCK-online) Đó là khẳng định của ông Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC) khi chia sẻ với ĐTCK về kế hoạch đào tạo của Trung tâm trong thời gian tới.

Bộ Tài chính vừa ban hành Quy chế hành nghề chứng khoán, trong đó đề cập đến chương trình đào tạo chuyên môn về chứng khoán. Ông có thể cho biết kế hoạch đào tạo của SRTC trong thời gian tới?

Theo Quy chế hành nghề chứng khoán thì việc áp dụng chương trình đào tạo chuyên môn về chứng khoán bao gồm 7 khoá học. Ngoài 3 khoá học Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và TTCK, Pháp luật về chứng khoán và TTCK, Phân tích và đầu tư chứng khoán, có thêm 4 khoá học mới là Môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán; Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán; Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp; Quản lý quỹ và tài sản. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng 7 bộ giáo trình mới. Từ tháng 4 này sẽ lần lượt nghiệm thu từng bộ giáo trình, dự kiến quý III/2008 sẽ hoàn thành. Bắt đầu từ năm 2009, Trung tâm sẽ chính thức đưa vào đào tạo toàn bộ, ngay sau đó UBCK sẽ tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán theo quy định mới, một năm thi cấp chứng chỉ hành nghề 2 lần. Thời lượng khoá học trong thời gian tới tăng đòi hỏi bộ máy SRTC sẽ phải vận hành hết công suất, nhưng điều chúng tôi hướng tới vẫn là chất lượng. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đào tạo bài bản hơn. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục đào tạo các lớp cấp chứng chỉ chuyên môn cho những người tham gia thi cấp chứng chỉ hành nghề của UBCK.

 

SRTC sẽ chia sẻ công tác đào tạo cho các trường đại học như thế nào và UBCK có ý định mở thêm cơ sở đào tạo nữa không, thưa ông?

Hiện nay, các cơ sở đào tạo được UBCK uỷ quyền gồm có 5 trường đại học. Các trường này mới tham gia đào tạo 2 khóa học là cơ bản và phân tích. Sắp tới, tuỳ vào khả năng thực tế, đội ngũ giảng viên, điều kiện của từng trường, Ủy ban sẽ mở rộng thêm cho các đơn vị được uỷ quyền một hoặc một số khóa học. Để phối hợp tốt với các đơn vị được uỷ quyền, SRTC đã xây dựng phòng máy nhằm triển khai thi trên hệ thống máy, lập bộ phận khảo thí và đánh giá kết quả; có ngân hàng đề thi, phần mềm chuyên tổ chức thi... Về việc mở rộng thêm cơ sở đào tạo, trong hội nghị sơ kết mở rộng đào tạo mới đây, theo ý kiến của các đơn vị được uỷ quyền, xét về nhu cầu và khả năng đáp ứng, trước mắt không mở rộng thêm các cơ sở đào tạo.

 

Việc tăng thời lượng khóa học như vậy có làm SRTC gặp khó khăn trong việc mời các giảng viên tham gia đào tạo?

Với SRTC, chắc chắn việc tăng thời lượng khoá học sẽ tạo áp lực lớn, trong đó đội ngũ giảng viên cũng là một trong những vấn đề khó khăn cấp bách đối với Trung tâm. Tuy nhiên, lường trước được những khó khăn này, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên mới. Trước hết là xây dựng đội ngũ giảng viên từ nội bộ Trung tâm và UBCK thông qua các dự án đào tạo với đối tác nước ngoài (như SECO - Thuỵ Sỹ, Đại học Monash - Úc, Viện Chứng khoán Đài Loan...) và tuyển thêm đội ngũ giảng viên mới. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường thêm giảng viên có uy tín và kinh nghiệm lâu năm của các trường, viện nghiên cứu, chuyên gia của các công ty chứng khoán đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài.

 

Sau nhiều năm SRTC triển khai công tác “xóa mù” chứng khoán, ông có nhận xét gì về trình độ của nhà đầu tư hiện nay?

Trung tâm đã có bề dày 10 năm trong công tác đào tạo hành nghề và phổ cập kiến thức chứng khoán cho công chúng đầu tư, đã có đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường. Hiện nay, trình độ của nhà đầu tư đã khác rất nhiều so với thời điểm thị trường mới ra đời; nhận thức cần phải nâng cao trình độ của công chúng đầu tư thể hiện qua nhu cầu tham gia các khoá đào tạo chứng khoán, qua đó trình độ của nhà đầu tư đã cao hơn, chuyên nghiệp hơn. Nhiều chuyên gia đã đánh giá về TTCK Việt Nam là phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và trình độ nhận thức của nhà đầu tư.