Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao vào đầu tư ngành “tay trái” như chứng khoán, bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao vào đầu tư ngành “tay trái” như chứng khoán, bất động sản.

Đất lành, đất dữ…

(ĐTCK-online) Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (World Bank), năm 2007 khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ (10,2%), kết thúc một thập kỷ tốt đẹp sau cơn khủng hoảng tài chính khu vực. Tuy nhiên, đây chưa phải là lúc để ăn mừng, mà lại là thời điểm đáng lo ngại bởi nền kinh tế toàn cầu một lần nữa đang đối mặt với nhiều thách thức.

Trong sự thoái trào này, có thể nhận thấy những ngành bị tác động nhanh nhất và lợi nhuận giảm nhiều nhất chính là những ngành đã một thời được “người người và ngành ngành” kỳ vọng: ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Nhìn lại một năm trước, theo số liệu của World Bank, chỉ tính đến tháng 11/2007, tín dụng ngân hàng ở Việt Nam đã tăng ở mức rất cao, từ 25,4% (năm 2006) lên hơn 50%. Tín dụng của các ngân hàng cổ phần tăng quá cao, tới 95%; các ngân hàng thương mại quốc doanh dường như đã kiềm chế hơn nhằm mục tiêu cải thiện danh mục cho vay của mình trước khi cổ phần hóa - tín dụng của khối này tăng khoảng 25%. Cảnh báo về tốc độ tăng quá lớn này sẽ gây ra những mối quan ngại về chất lượng các hạng mục đầu tư của ngân hàng đã được đưa ra. Nhưng bất chấp những khuyến cáo, mức độ tăng trưởng này đã khiến các ngành khác ham muốn lao vào đầu tư. Đa dạng hoá ngành nghề, trong đó danh mục mở rộng ngành nghề được ưu tiên số 1: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là kế hoạch của khá nhiều doanh nghiệp. Cảnh báo thành hiện thực chỉ qua một thời gian ngắn thử lửa vừa qua. Khó khăn chồng chất khiến hầu hết các ngân hàng buộc phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2008 xuống khoảng 20 - 30%.

Các CTCK cũng khó khăn không kém. Dự đoán TTCK có thể không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong năm 2008 khiến không ít nhận định về sự “hấp hối” của khá nhiều CTCK được đưa ra. Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt nhận định: “Đến năm 2010, Việt Nam chỉ còn khoảng 20 - 30 CTCK so với con số hơn 80 đơn vị đã được cấp phép đến thời điểm hiện nay”.

Nhiều hệ lụy kéo theo việc suy thoái lợi nhuận của những ngành một thời là “điểm đến trong mơ” chắc chắn sẽ xảy ra. Nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại, các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào những lĩnh vực đang “hot” có thể làm mất cân đối cung - cầu trên thị trường và sự cạnh tranh quyết liệt để hấp dẫn khách hàng, giành giật số nhân lực có hạn giữa các doanh nghiệp này với nhau. Nhiều cảnh báo rủi ro về nguồn lực phân tán khiến năng lực cạnh tranh có thể bị suy yếu; thương hiệu truyền thống có thể bị lu mờ... đã được đưa ra.

Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung đã cảnh báo, với năng lực quản trị còn nhiều hạn chế như hiện nay, xu hướng đa ngành của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn. Chỉ chăm chăm đầu tư vào những ngành có lợi nhuận cao, khá nhiều doanh nghiệp dường như quên mất việc nâng cao công nghệ, đổi mới thiết bị, máy móc cho ngành nghề truyền thống. Nổi lên như một ngành có cổ phiếu “hot” nhờ đầu tư bất động sản, nhưng nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu 70 - 80%. Một chuyên gia kinh tế còn thẳng thắn nhìn nhận, môi trường kinh doanh hiện nay đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp “đánh quả”, chứ không chú trọng đầu tư công nghệ. “Theo đuổi lợi nhuận trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sẽ sao nhãng việc xây dựng doanh nghiệp dựa trên năng lực cốt lõi và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đây không phải lựa chọn khôn ngoan của các nhà đầu tư dài hạn”, ông Juerg Vontobel, Chủ tịch Vietnam Holding khẳng định. Ông Ito Junichi, Trưởng đại diện World Link Japan cũng băn khoăn trước hiện tượng khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao vào đầu tư ngành “tay trái” như chứng khoán, bất động sản, mà không tập trung cao độ vào các ngành nghề sản xuất chính. Cái giá phải trả của nền kinh tế Nhật Bản cuối những năm 1980 (đầu tư quá nóng vào bất động sản) khiến ông Ito Junichi lo ngại một kịch bản tương tự cho khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, khi đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản thông qua Quỹ Đầu tư tăng trưởng Nhật Bản - Việt Nam chỉ chọn những doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn ngành nghề chính.

Thực tế đã cho thấy, sự “xì hơi” của bất động sản, chứng khoán, ngân hàng khiến mùa ĐHCĐ vừa diễn ra không còn thấy các doanh nghiệp hồ hởi thông báo kế hoạch sẽ đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản. Miền đất lành tìm kiếm lợi nhuận năm trước bỗng trở thành… đất dữ đối với nhiều doanh nghiệp quên mất năng lực cốt lõi của mình.