Dấu hỏi về phát hành riêng lẻ

Dấu hỏi về phát hành riêng lẻ

(ĐTCK) Một số ý kiến đang nghi ngờ tính khả thi của quy định mới về phát hành riêng lẻ tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 15/9/2012.

Quy định chưa rõ ràng

Kể từ khi Nghị định 01/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2010 đến thời điểm hiện tại, hàng ngàn DN đã bế tắc khi làm thủ tục tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Lý do là Nghị định 01 điều chỉnh cả hoạt động phát hành tăng vốn của các DN chưa phải là công ty cổ phần đại chúng, lẫn công ty đại chúng và giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết, nhưng suốt thời gian dài không có văn bản hướng dẫn. Đây là cái cớ để các cơ quan đăng ký kinh doanh không tiếp nhận hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng phát hành theo hình thức riêng lẻ.

Dấu hỏi về phát hành riêng lẻ ảnh 1

Nghị định 58/2012/NĐ-CP sắp có hiệu lực, nhưng nếu thiếu thông tư hướng dẫn thì DN vẫn có thể “tắc” khi muốn phát hành riêng lẻ

Bất cập này hy vọng sẽ được tháo gỡ khi Nghị định 58 ra đời, có hiệu lực ngày 15/9 tới. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các đối tượng trực tiếp triển khai hoạt động phát hành riêng lẻ, nhiều DN cho rằng, Nghị định 58 có những điểm chưa rõ ràng, khó hiểu, có thể khiến DN gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

Lãnh đạo một DN đang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM cho biết, công ty đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các công ty con đều là công ty cổ phần chưa đại chúng. Nay để tái cơ cấu các công ty con theo hướng giảm bớt đầu mối, công ty mẹ muốn sáp nhập công ty con B vào công ty con A. Kế hoạch này được cụ thể hóa bằng phương án công ty con A phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần của công ty con B theo tỷ lệ 1:1. Trong trường hợp này có được coi là phát hành riêng lẻ không? Cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần có bị hạn chế chuyển nhượng không?

Một trường hợp khác cũng đang khiến nhiều DN thắc mắc là đối với công ty cổ phần chưa đại chúng, khi phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, thì có được coi là phát hành riêng lẻ không? Với những cổ đông hiệu hữu đã góp vốn vào công ty hơn 3 năm, khi nhận cổ phần trong đợt phát hành này, thì lượng cổ phần mới mua thêm có bị hạn chế chuyển nhượng như đối với trường hợp phát hành riêng lẻ không?

 

Có phải chờ thông tư hướng dẫn?

Nghị định 58 điều chỉnh hoạt động phát hành riêng lẻ của 3 đối tượng gồm: công ty cổ phần đại chúng, công ty cổ phần chưa đại chúng và công ty TNHH. Tuy nhiên, Nghị định 58 giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành riêng lẻ, nhưng hiện tại chưa thấy Bộ công bố dự thảo thông tư. Chục ngày nữa là Nghị định 58 có hiệu lực, khi đó, DN được phát hành riêng lẻ theo văn bản này hay tiếp tục phải chờ thông tư như trường hợp Nghị định 01 trước đây?

Đáng chú ý, việc hướng dẫn phát hành riêng lẻ đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, mà thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thế nhưng, Nghị định 58 không quy định cụ thể trách nhiệm hướng dẫn nội dung này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này dễ khiến hoạt động phát hành riêng lẻ của các công ty cổ phần chưa đại chúng tiếp tục bị “treo” như khi bắt đầu áp dụng Nghị định 01 hồi đầu năm 2010.

Giám đốc pháp chế một DN có trụ sở tại Hà Nội cho rằng, nếu không có thông tư hướng dẫn, thì nguy cơ DN tiếp tục bị tắc khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ tại cơ quan đăng ký kinh doanh là khó tránh khói. Điều này đã từng xảy ra và kéo dài hơn 2 năm nay, bởi không có thông tư hướng dẫn Nghị định 01.

“Bất cập này đã không phát sinh nếu Nghị định 58 chỉ điều chỉnh hoạt động phát hành riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng, công ty niêm yết, ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng, CTCK, thay vì điều chỉnh cả hoạt động phát hành riêng lẻ của các công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty TNHH”, vị giám đốc pháp chế trên nói.

Một điều không rõ ràng nữa của Nghị định 58, theo các DN là tuy có nội dung đề cập thay thế Nghị định 01, nhưng lại quy định: những quy định trước đây trái với Nghị định 58 đều bị bãi bỏ. Điều này đặt ra tình huống: vậy những nội dung quy định tại Nghị định 01, cũng như các văn bản khác không trái với Nghị định 58 có bị bãi bỏ hay vẫn còn hiệu lực? Sở dĩ DN đặt ra câu hỏi này là bởi trong thực tế làm thủ tục tăng vốn, hoặc một số thủ tục khác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các DN đã vướng vào khúc mắc tương tự.