Dè dặt giảm lãi suất đầu vào

(ĐTCK-online) Đã có những phát biểu từ phía các ngân hàng về một thực tế đang nảy sinh đó là "cho vay càng nhiều thì càng lỗ". Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích là do lãi suất huy động bình quân đang tăng lên nhanh chóng, nhưng lãi suất cho vay bị khống chế trần 21%. Việc hạ lãi suất huy động được tính tới, nhưng việc giảm lãi suất theo lộ trình nào thì các ngân hàng vẫn đang còn "nhìn nhau".

Để giải quyết bài toán này, các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã cân nhắc đến việc cắt giảm lãi suất xuống mức thấp hơn 1 - 2 điểm phần trăm so với mặt bằng chung hiện nay là 17 - 18%/năm. Tuy nhiên, trong những ngày qua, lãi suất huy động trên thị trường chỉ được các ngân hàng điều chỉnh nhẹ và chủ yếu ở các kỳ tiền gửi ngắn ngày, trong đó lãi suất không kỳ hạn được các ngân hàng kéo về dưới nguỡng 6%/năm, thay vì 9 - 10%/năm như cách đây 2 tháng.

Đơn cử, SCB đưa lãi suất không kỳ hạn từ 9%/năm xuống 6%/năm. Kỳ hạn 1 - 3 tháng của ACB cũng giảm từ 0,7 - 1,2%/năm so với tháng trước… Mặt bằng lãi suất huy động cao nhất của khối ngân hàng quốc doanh và cổ phần quy mô  lớn (Vietcombank, ACB, DongA Bank…) hiện nay được áp dụng là 18 - 18,2%/năm. Còn với khối cổ phần quy mô vừa và nhỏ, mức cao nhất được áp dụng là 18,5%/năm, thay vì 18,8 - 19,2%/năm như tháng trước. Rất ít ngân hàng còn duy trì lãi suất huy động trên ngưỡng 19%/năm.

Xu hướng cắt giảm lãi suất huy động của khách hàng chủ yếu rơi vào các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng. Với những kỳ hạn dài ngày, lãi suất tiền gửi vẫn duy trì mức khá cao. Tuy nhiên, đi kèm với lãi suất cao là điều kiện tiền gửi phải tương ứng mức ngân hàng quy định, nên không nhiều khách hàng hưởng được quyền lợi trên.

Theo nhận định của chủ tịch HĐQT một ngân hàng tại TP. HCM, hiện nhiều ngân hàng rất muốn cắt giảm chi phí đầu vào để giảm áp lực trong hoạt động. Tuy nhiên, ông này lại cho rằng, trước mắt lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm sâu, nếu chưa có một làn sóng đồng loạt điều chỉnh giữa các ngân hàng. Tâm lý lo ngại xu hướng tiền chuyển dịch sang ngân hàng khác vẫn còn tồn tại, nên lãi suất tiền gửi khó giảm sâu.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM cho rằng, thị trường tiền tệ đang dần đi vào ổn định, đây là lúc các ngân hàng cần tính đến bài toán tiết giảm chi phí đầu vào để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, để thực hiện được bài toán này, còn phụ thuộc vào diễn biến của tình hình lạm phát trong tháng này cũng như những tháng tới.

Đại diện một ngân hàng khác cho rằng, phải chờ tới quý IV, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi được các ngân hàng cắt giảm mạnh, còn thời điểm hiện tại sẽ chỉ giảm nhẹ. Nguyên nhân là các ngân hàng có sự chọn lọc khách vay, đồng thời với lãi suất đầu ra hiện nay (1,75%/tháng) nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc hạn chế vay tối đa. Do đó, nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ dư thừa trong những tháng tới. Lúc đó, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức cao.

Trên thị trường, lãi suất đã được các ngân hàng cắt giảm nhẹ, nhưng thay vào đó nhiều chương trình khuyến mãi tiết kiệm lại đua nhau ra đời, nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân. Ngày 8/8, ABBANK có chương trình khuyến mãi với mức lãi suất tiền gửi VND là 19%/năm và 7%/năm áp dụng cho huy động vốn bằng USD. Tuy nhiên, chương trình trên chỉ được áp dụng trong ngày duy nhất (8/8).