Đi trước lạm phát

(ĐTCK-online) Một tin tốt cho TTCK là vấn đề lạm phát và kiềm chế lạm phát đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt kịp thời. Sau cuộc họp giao ban Chính phủ tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản tập trung vào các biện pháp kiềm chế lạm phát, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành chức năng từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đến Bộ Văn hoá - Thông tin và Truyền thông.

Chính phủ đang ở thế chủ động trong việc chỉ đạo, ban hành các biện pháp kiềm chế lạm phát. Vấn đề còn lại là sau chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành thực hiện những biện pháp này như thế nào. Ít nhất là cho đến thời điểm này, đã có tiếng nói của lãnh đạo Bộ Công thương về việc tăng giá xăng của doanh nghiệp còn bất hợp lý và giá xăng bán lẻ trên thị trường lập tức đã giảm xuống.

Thị trường chờ đợi những tín hiệu điều hành từ các bộ ngành khi theo dõi giá các mặt hàng chính yếu như thép, xi măng, thực phẩm, sữa, gạo, thuốc… Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước uyển chuyển đến đâu và có thực hiện đúng bài bản kiềm chế lạm phát dựa trên chính sách tiền tệ và tài khóa hay không.

Theo tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, ở Việt Nam chính sách tiền tệ có độ trễ từ 5 đến 7 tháng. Dựa trên biểu đồ tăng trưởng tín dụng mà đỉnh điểm là vào tháng 10 năm 2009 thì lạm phát cao có thể xuất hiện sau hai ba tháng tới. Nếu dự báo lạm phát cao có thể tái xuất hiện trong những tháng tới, thì phải hành động ngay bây giờ, chứ không phải khi có dấu hiệu rõ rệt về lạm phát mới hành động.

Với những thông tin nói trên thì giới đầu tư có thể nhận thấy rằng, Chính phủ đã và đang hành động trước để ngăn chặn lạm phát tăng cao do ảnh hưởng của chính sách tăng trưởng tín dụng để chống giảm phát được thực hiện hồi năm ngoái. Chỉ số lạm phát tháng 3 là chỉ báo để đánh giá các biện pháp kiềm chế lạm phát được thực hiện. Một chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, nếu lạm phát tháng 3 dưới 1% thì có thể yên tâm nhưng nếu hơn 1% thì thật sự đáng lo ngại cho ổn định vĩ mô của cả năm nay.

Cho đến thời điểm này, vấn đề chỉ số CPI có vẻ được giới đầu tư chứng khoán nhìn nhận bớt nặng nề hơn so với hai tháng trước. Cụ thể là CPI tháng 2 được công bố khá cao nhưng thị trường chỉ phản ứng giảm mạnh một phiên, sau đó tích lũy và bắt đầu phục hồi, ngay cả khi giá điện đã tăng lên.

Cơ hội khá rõ nét trên TTCK cộng với thái độ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong kiềm chề lạm phát có tác dụng rất lớn làm ổn định tâm lý thị trường, sẽ giúp TTCK vững vàng hơn trong thời gian tới.