NĐT nước ngoài chỉ cần mua 1 cổ phiếu thì DN dược đã bị coi là DN có vốn ĐTNN

NĐT nước ngoài chỉ cần mua 1 cổ phiếu thì DN dược đã bị coi là DN có vốn ĐTNN

Doanh nghiệp dược niêm yết “sợ” vốn ngoại

(ĐTCK-online) Những ý kiến trái chiều xung quanh khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang khiến DN dược niêm yết trên TTCK đối mặt với nhiều khó khăn. Theo quy định, chỉ cần NĐT nước ngoài mua 1 cổ phiếu thì DN dược đã bị coi là DN có vốn ĐTNN, khiến không được bán buôn, bán lẻ dược phẩm nhập khẩu. ĐTCK ghi nhận ý kiến của các bên liên quan.

"Doanh nghiệp gặp khó"

Bà Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc CTCP Hoá - dược phẩm Mekophar (MKP)

Do có hơn 4% cổ phần do NĐT nước ngoài nắm giữ nên MKP bị coi là DN có vốn ĐTNN, khiến Công ty không được đăng ký "bán buôn, bán lẻ dược phẩm" trong giấy phép kinh doanh theo danh mục quy định tại phụ lục 4, Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM ngày 21/5/2007 của Bộ Thương mại về công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá (theo cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên).

Theo quy định hiện hành, các công ty dược phẩm có vốn ĐTNN đều không được phép bán buôn, bản lẻ dược phẩm nhập khẩu. Thế nhưng, nhiều DN dược khác đang niêm yết cũng có NĐT nước ngoài tham gia mua cổ phần qua TTCK mà không bị cơ quan chức năng "xoá" chức năng bán buôn, bán lẻ dược phẩm nhập khẩu, hiện vẫn triển khai các hoạt động này bình thường. Tại sao lại có sự bất bình đẳng đối với công ty này như vậy?

Trước nhiều bất lợi trong hoạt động kinh doanh do "bỗng dưng" trở thành DN có vốn đầu tư nước ngoài, MKP đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để kiến nghị. Nếu vấn đề không được giải quyết, MKP có thể sẽ phải rút niêm yết cổ phiếu để tái cơ cấu cổ đông theo hướng không còn NĐT nước ngoài sở hữu cổ phần của Công ty, nhằm giúp MKP xin giấy phép hoạt động bán buôn, bán lẻ dược phẩm.

"Bất ổn khái niệm DN có vốn ĐTNN"

Luật sư Nguyễn Thị Vân, Trưởng bộ phận Pháp chế, CTCK Bảo Việt

Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: "DN có vốn ĐTNN bao gồm DN do NĐT nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam ; DN Việt Nam do NĐT nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại". Nếu hiểu theo vế đầu, DN có vốn ĐTNN là DN do "NĐT nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam" và với vế sau là "DN Việt Nam do NĐT nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại", thì cũng cần phải hiểu là để NĐT nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo mục đích của vế trước đặt ra.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định này cho thấy, DN Việt Nam do NĐT nước ngoài mua cổ phần, bất kể là tỷ lệ sở hữu 1 cổ phần hay 51% cổ phần đều được coi là DN có vốn ĐTNN và bị loại không được tham gia vào các lĩnh vực phân phối theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM. Như vậy, các DN này bị hạn chế kinh doanh ngay chính trên sân nhà do việc mua cổ phần, dù rất ít và không hề tham gia vào quá trình quản trị, điều hành DN của NĐT nước ngoài. Cách hiểu quy định như vậy là không hợp lý, vì NĐT nước ngoài mua bán cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán với tỷ lệ sở hữu thấp chủ yếu với mục đích mua đi bán lại tạo lợi nhuận và hưởng cổ tức, chứ không tham gia điều hành hoạt động DN. Nếu muốn trở thành NĐT thực sự, tham gia vào hoạt động đầu tư theo định nghĩa tại Điều 3 Luật Đầu tư, thì NĐT nước ngoài phải có một tỷ lệ cổ phần chi phối hoặc đủ lớn mới có thể gọi là tham gia vào hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Mặt khác, khi quy định về thủ tục đầu tư và thành lập DN, Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ có sự phân biệt về tỷ lệ sở hữu vốn trong DN mà NĐT đó tham gia. Cụ thể, trường hợp DN dự định thành lập có sở hữu của NĐT nước ngoài hơn 49% vốn điều lệ, thì phải thực hiện thủ tục đầu tư như dự án 100% vốn nước ngoài; ngược lại, tỷ lệ từ 49% trở xuống thì chỉ cần đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư như đối với một DN trong nước. Phải chăng, có trên 49% vốn của NĐT nước ngoài thì được xem là DN có vốn ĐTNN và từ 49% trở xuống là DN trong nước?

Sự bất hợp lý về cách hiểu DN có vốn ĐTNN chỉ căn cứ vào tỷ lệ sở hữu, như trường hợp của MKP còn ở chỗ, sở hữu của Nhà nước (đại diện là Tổng công ty Dược Việt Nam) tại DN này là khoảng 29%, lớn hơn rất nhiều so với tỷ lệ của NĐT nước ngoài.

Theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM, không chỉ các DN ngành dược có vốn của NĐT nước ngoài bị hạn chế kinh doanh tại Việt Nam, mà còn có các DN tham gia phân phối thuộc các lĩnh vực khác như: gạo, đường mía và đường củ cải, thuốc lá và xì gà, dầu thô và dầu đã qua chế biến, sách báo, kim loại quý và đá quý... Như vậy, ảnh hưởng của các quy định thiếu thống nhất là rất lớn tới các DN khi tham gia niêm yết trên TTCK.

 

"Nên có quy định đặc thù cho DN niêm yết"

Luật sư Cao Bá Trung, Giám đốc Công ty Luật INCIP

Với quy định của pháp luật hiện hành đang dẫn đến cách hiểu: dù NĐT nước ngoài bỏ 1 đồng vốn vào DN Việt Nam thì DN đó bị coi là DN có vốn ĐTNN. Để tháo gỡ bất hợp lý trên, các cơ quan chức năng cần có cơ chế mở cho các DN niêm yết theo hướng: nếu muốn trở thành NĐT thực sự tham gia vào hoạt động đầu tư theo định nghĩa tại Điều 3 Luật Đầu tư, thì NĐT nước ngoài phải sở hữu một tỷ lệ cổ phần đủ lớn mới được coi là DN có vốn ĐTNN.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tại DN nên có sự phân biệt giữa đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Trong số các hình thức đầu tư gián tiếp, thì việc NĐT nước ngoài sở hữu cổ phiếu thông qua mua cổ phiếu trên TTCK với một tỷ lệ không đáng kể và nếu DN niêm yết chứng minh được NĐT mua cổ phiếu với mục đích "lướt sóng", không tham gia hoạt động điều hành DN, thì có thể coi đó không phải là DN có vốn ĐTNN.