Tiêu thụ của ngành thép sụt giảm cho thấy thị trường xây lắp đang rất khó khăn - Ảnh: Lê Toàn

Tiêu thụ của ngành thép sụt giảm cho thấy thị trường xây lắp đang rất khó khăn - Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp niêm yết nỗ lực cho 6 tháng cuối năm

(ĐTCK-online) Trước tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn dự báo sẽ còn kéo dài, các công ty niêm yết đang rất nỗ lực để đạt kết quả kinh doanh khả quan nhất trong 6 tháng cuối năm.

Kết quả kinh doanh của DN ngành thép thể hiện rõ tình hình thắt chặt tín dụng, bất động sản gần như đóng băng và giãn tiến độ nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong quý II năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 4.570 tỷ đồng doanh thu và 474 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 55% kế hoạch năm. Nhưng do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế và của ngành, so với quý I, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II của HPG giảm nhẹ, doanh thu giảm 5% và lợi nhuận sau thuế giảm 15%.

Theo nhận định của Hòa Phát, với những diễn biến hiện nay, tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn 6 tháng đầu năm với nhiều biến động khó đoán định. Hòa Phát vẫn tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã được ĐHCĐ thông qua. Dù đã vượt kế hoạch lợi nhuận 6 tháng đầu năm, nhưng HPG không lạc quan nhận định về khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm như các năm trước.

CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2011, giảm 3,51% về sản lượng và giảm 11,11% lợi nhuận sau thuế, tương ứng đạt 550.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế là 80 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC cho biết, Công ty dự báo tiêu thụ thép sẽ gặp khó khăn do giá cả không biến động lớn. Giá cả không biến động thì tỷ lệ lợi nhuận biên nhờ linh hoạt điều chỉnh lượng hàng tồn kho sẽ không có. Mặt khác, nhìn toàn thị trường, khi giá cả không biến động mà tiêu thụ lại chậm thì các DN có xu hướng bán mạnh để xử lý các vấn đề về tài chính, dẫn đến cạnh tranh bán hàng sẽ căng thẳng hơn. "Mục tiêu của SMC trong các tháng cuối năm là ổn định sản lượng tiêu thụ, quay vòng vốn nhanh, xử lý các vấn đề phát sinh về công nợ".

CTCP Sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (TIX) vẫn có lợi nhuận tốt từ hoạt động kinh doanh chính, song kế hoạch đầu tư các dự án bất động sản đều dừng cả lại, dù dự án của TIX là dự án có giá bình dân. "Giữ tiền còn hơn để mất tiền", ông Trần Quang Trường, Phó tổng giám đốc TIX nói.

Chuyện các công ty niêm yết công bố kết quả kinh doanh thua lỗ đã là rất bình thường trên thị trường. Nước nổi, thuyền mới nổi. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, những DN đã công bố kết quả kinh doanh thua lỗ chưa nhìn thấy khả năng phục hồi. Những DN có nền tảng hoạt động tốt vẫn duy trì kết quả kinh doanh có lãi, nhưng kỳ vọng lợi nhuận phải điều chỉnh. Mặc dù đã dự báo được năm 2011 là năm khó khăn khi xây dựng kế hoạch vào đầu năm nhưng từ đó đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục thay đổi.

Nhóm DN ở giữa nhóm lỗ và có lãi cao là nhóm thực hiện lợi nhuận rất thấp. Như CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI), 6 tháng đầu năm đạt 120 tỷ đồng sản lượng, hoàn thành 26% kế hoạch năm, doanh thu đạt 76 tỷ đồng (26% kế hoạch),  nhưng lợi nhuận chỉ đạt 6,3 tỷ đồng (bằng 13% kế hoạch).

Theo ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PPI thì thường doanh thu và lợi nhuận của mảng xây lắp tập trung vào cuối năm, nên khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận vẫn còn. Việc bán sản phẩm dự án Long Hội City (Bến Lức - Long An) nằm trong kế hoạch đã xây dựng, nhưng hiện nay PPI mới chuẩn bị chào bán dự án. Kết quả chào bán dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành kế hoạch năm 2011.

Nếu như đầu năm nay, nhiều DN vẫn còn phán đoán rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài trong khoảng 6 tháng là lạm phát sẽ ổn định vào khoảng tháng 8, tín dụng có thể giảm lãi suất.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, lạm phát vẫn chưa về mức ổn định. Một phần nguyên nhân là do Việt Nam nhập khẩu lạm phát. Trong khi đó, lạm phát không chỉ là vấn đề của riêng nền kinh tế Việt Nam mà của cả thế giới. Các tổ chức kinh tế thế giới đang gây sức ép để nền kinh tế Trung Quốc thắt chặt tín dụng, ghìm lại tăng trưởng để đối phó với lạm phát.

Lo ngại trước lạm phát và bất ổn trong nhiều nền kinh tế khiến giá vàng tăng cao. Giá vàng thế giới tăng cao lại là áp lực lớn với việc giảm lãi suất và với tỷ giá trong các tháng cuối năm. Trong báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ vẫn khẳng định chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát, điều đó có nghĩa chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ phải kiên trì thực hiện.

Nếu như cách đây 2 tuần, lãi suất tiền gửi thực tế đã giảm 1%, từ 18,5%/năm xuống 17,5%/năm cho khoản tiền từ 500 triệu đồng trở lên, thì tuần qua, cùng với việc tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi thỏa thuận đã tăng lại lên 18%/năm. Như vậy là dù lực bán vàng của người dân khá lớn trong những ngày vàng lập đỉnh ở mức giá kỷ lục trên 39 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 1 tuần qua khiến tiền gửi ngân hàng dồi dào hơn, nhưng không vì thế mà lãi suất tiền gửi nguội đi. Trên thực tế, sóng lãi suất tiền gửi như vừa qua chỉ có lợi cho các ngân hàng chứ chưa thấm đến được các DN sản xuất. Một số ngân hàng  công bố lợi nhuận các tháng đầu năm vẫn khá tốt chứ không quá khó khăn như DN sản xuất khác.

Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, nhiều DN nhận định, không loại trừ khả năng tình hình khó khăn có thể kéo dài sang cả năm 2012 nên phải chuẩn bị phương án phòng thủ từ bây giờ, không lạc quan đoán định thời điểm nào giảm lãi suất, bớt thắt tín dụng. Vì thế, khả năng thua lỗ lớn của các DN đã có kế hoạch phòng thủ khó có thể xảy ra.

Thu Hương

 

 

"Duy trì chiến lược ăn chắc mặc bền"

Ông Đặng Kiết Tường, Chủ tịch kiêm giám đốc CTCP XNK thủy sản Bến Tre (ABT)

 

Từ nhiều năm nay, ở CTCP XNK thủy sản Bến Tre (ABT) luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ổn định. Vì thế, 6 tháng đầu năm 2011, doanh thu của ABT chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhưng chúng tôi vẫn hài lòng với kết quả này, vì ABT chủ trương không đẩy mạnh cũng như không mở rộng kinh doanh.

 

Chúng tôi muốn mình tự chủ và kiểm soát được hoạt động. Hiện tại, nguyên liệu cá tra đầu vào phục vụ sản xuất đều do ABT tự nuôi lấy.

Nhờ tự chủ về vùng nguyên liệu mà chi phí giá thành của ABT luôn thấp, tạo lợi thế cạnh tranh so với các DN cùng ngành.

 

6 tháng đầu năm 2011, lợi nhuận ở ABT có phần biến động nhưng không phải do chúng tôi gặp trở ngại gì. Chủ yếu do các khoản đầu tư tài chính trong kỳ không được hiệu quả. ABT còn phải trích dự phòng giảm giá chứng khoán. Vì thế mà chi phí tài chính của ABT bị đội lên... Tuy nhiên, nhìn lại, chúng tôi vẫn hoạt động chủ yếu bằng vốn tự có và lãi vay không phải là áp lực đối với Công ty.

 

Năm 2011, ABT tự tin hoàn thành mục tiêu doanh thu 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 85 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã hoàn thành được 77,6% kế hoạch lợi nhuận. Ngoài ra, với việc chủ động đầu vào và có đầu ra ổn định, với 100% doanh thu từ xuất khẩu và các đối tác vẫn trung thành với ABT, chúng tôi gần như không phải chịu tác động từ biến động kinh tế trong và ngoài nước.

 

ABT đang hoạt động tốt, nhưng trước mắt cũng như trong 1 - 2 năm tới, như tôi đã nói, Công ty vẫn chủ trương "ăn chắc mặc bền" và chưa có kế hoạch phát triển thêm.

 

"Giai đoạn khó khăn nhất đã qua"

Ông Nguyễn Xuân Trình, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đường Biên Hòa (BHS)

 

Do đặc thù của ngành đường là phải dự trữ nguyên liệu khi có những hợp đồng lớn, chẳng hạn như khi Vinamilk đặt hàng, nên có lúc chúng tôi phải tăng cường vay nợ ngân hàng. Đó là lý do vì sao mà nợ ngắn hạn của BHS tại thời điểm cuối tháng 6 vượt 800 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm. Nhưng đến lúc này, BHS đã giảm được gần một nửa số nợ này. Chúng tôi tự tin, lãi vay sẽ không còn "ăn mòn" vào lợi nhuận của BHS như 6 tháng đầu năm 2011.

 

Thực tế, hoạt động của BHS thời gian qua còn chịu ảnh hưởng từ biến động giá đường nguyên liệu thế giới. Từ mức 615 USD/tấn, giá đường tăng vọt lên 800 - 858 USD/tấn, tính ra, chênh lệch gần 200 USD/tấn. Vì thế, chi phí đầu vào của BHS bị đội lên. Tuy nhiên, từ tháng 7 trở đi, những khó khăn này sẽ không còn là vấn đề đáng ngại. Chúng tôi đã dự trữ và tự chủ được lượng đường nguyên liệu cần thiết.

 

Ngoài ra, phía Campuchia đã đồng ý cho BHS thuê 10.000 héc-ta đất trồng mía trong 70 năm. Dự kiến, BHS sẽ đặt nhà máy đường tại Capuchia, một mặt giải quyết nguyên liệu mía đường cho BHS, mặt khác có thể tận dụng những ưu đãi từ Campuchia để tạo lợi thế kinh doanh.

 

Trong cuộc họp HĐQT mới đây nhất, lãnh đạo BHS nhất trí vẫn sẽ nỗ lực để đạt mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm 2011, dù trong 6 tháng qua, lợi nhuận của BHS chỉ mới ở mức 34% kế hoạch năm. Cơ sở để chúng tôi không điều chỉnh kế hoạch vì BHS vẫn tin, với yếu tố mùa vụ, với diễn biến giá đường đang tăng trở lại, Công ty có thể đạt được mục tiêu đề ra.

 

Ngọc Thủy thực hiện