Nhà đầu tư nước ngoài ít mua - bán cảm tính như nhà đầu tư trong nước

Nhà đầu tư nước ngoài ít mua - bán cảm tính như nhà đầu tư trong nước

Giao dịch của nhà ĐTNN: Bức tranh nhiều màu

(ĐTCK-online) Gần đây, việc nhiều tổ chức nước ngoài mạnh tay bán ra cổ phiếu là một động thái giao dịch đáng chú ý. Từ ngày 8 - 12/8, Vietnam Dragon Fund bán 257.000 cổ phiếu GIL, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,37% xuống còn 2,85%. Đây là đợt bán thứ hai sau đợt bán 213.000 cổ phiếu GIL trong tuần đầu tháng 8 (trước khi bán, tổ chức này nắm giữ 761.000 cổ phiếu GIL, với tỷ lệ sở hữu là 7,45%).

Hai ngày giữa tuần trước, Amersham Industries Limited bán 400.000 cổ phiếu SAM, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,28% xuống còn 4,67%. Trước đó, cuối tháng 6, đầu tháng 7, tổ chức này đã bán hai đợt cổ phiếu SAM, với tổng khối lượng hơn 1,6 triệu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,8% xuống còn 5,28%.

Từ ngày 17 - 24/7, Balestrand Limited bán gần 800.000 cổ phiếu CAN, giảm tỷ lệ sở hữu từ 15,78% xuống còn 10,52%. Trước đó, từ ngày 4 - 7/7, Goldchurch Limited bán toàn bộ 400.000 cổ phiếu CAN đang sở hữu.

Nhiều cổ phiếu blue-chip cũng được NĐT nước ngoài bán ra mạnh. Ngày 7/8, Citigroup Global bán hơn 100.000 cổ phiếu trong số 1,6 triệu cổ phiếu DHG đang nắm giữ. Ngày 12/8, Tập đoàn Deutsche Bank AG London bán 225.000 cổ phiếu PVD vừa mua hai tuần trước đó. Một số cổ phiếu khác như VIP, DQC, ITA, VTO… cũng được khối NĐT nước ngoài mạnh tay bán ra trong suốt tháng qua. Xét về khối lượng, trong 14 phiên giao dịch đầu tháng 8, khối NĐT nước ngoài mua vào hơn 31 triệu cổ phiếu, bán ra 32,4 triệu cổ phiếu, trong tổng số 216,23 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn HOSE. Chênh lệch mua - bán tuy không nhiều, nhưng là sự khác biệt lớn so với những tháng trước đó.

Về động thái này, ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt cho rằng, nên coi đây là việc hết sức bình thường. Hiện các quỹ và tổ chức đầu tư nước ngoài vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu lại danh mục đầu tư. Một khoản đầu tư có thể lý tưởng cách đây vài năm, thậm chí vài tháng, nhưng trong hoàn cảnh mới có thể không còn phù hợp. Mặt khác, do thị trường biến động mạnh, bị sức hút bởi lợi nhuận ngắn hạn nên nhiều quỹ cũng tham gia lướt sóng, khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng là bán ra. Cũng có một vài quỹ mới, mua thử nghiệm thăm dò thị trường, sau một thời gian họ thanh lý số cổ phiếu cũ, đảo danh mục đầu tư.

Giám đốc đầu tư của một CTCK khác cho biết, NĐT tổ chức nước ngoài chỉ mua cổ phiếu trong những vùng giá nhất định, khi giá vượt mức dự kiến là họ trở thành người bán. Ngay cả khi thị trường đi lên, giá cổ phiếu đang tăng, họ vẫn "lai rai" bán ra cổ phiếu, bởi khối lượng sở hữu lớn, họ không thể bán gọn trong một vài phiên. Trong một số phiên thị trường điều chỉnh giảm, họ thường đặt mua từ giá tham chiếu trở xuống. Ngược lại, những phiên thị trường tăng, họ không tranh mua giá trần, mà thay đổi vị thế trở thành người bán. Vị giám đốc này nhận xét, nhìn vào giá trị và khối lượng giao dịch trong những phiên đầu tháng 8 có thể thấy quá trình tái cơ cấu của các tổ chức nước ngoài, đó là bán các cổ phiếu nhỏ và mua vào các blue-chip.

Cách nay không lâu, trong một buổi nói chuyện chuyên đề thường kỳ tại một CTCK, khách mời là giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài đã hoạt động 6 năm tại TTCK Việt Nam, trả lời thắc mắc của NĐT về việc tại sao NĐT nước ngoài thường mua được cổ phiếu với giá thấp và bán được với giá cao, khác với NĐT trong nước, vị giám đốc này giải thích rằng, không chắc NĐT nước ngoài mua và bán cổ phiếu ngày hôm nay và ngày mai cùng là một cá nhân hay tổ chức. Tuy nhiên, vai trò vượt trội và chủ động của các NĐT nước ngoài, kể cả cá nhân, so với NĐT trong nước là có thật, vì họ ít bị yếu tố tâm lý bầy đàn chi phối. Vị giám đốc này cho biết, trên TTCK thế giới, trung bình cứ 5 năm có một cuộc khủng hoảng vừa, 50 năm có một cuộc khủng hoảng lớn. Bởi lẽ, 5 năm là thời gian đủ dài để các NĐT quên đi những thất bại cũ để lao vào một cuộc đua mới. 50 năm là thời gian để những người có kinh nghiệm ra đi, thế hệ mới sinh ra lặp lại các vết xe cũ và vòng quay trên TTCK cứ thế tuần hoàn. Cái mà các NĐT nước ngoài hơn NĐT trong nước là kinh nghiệm. Không phải bao giờ cũng đúng, nhưng có một thực tế, sau khi khối NĐT nước ngoài bán mạnh thì thị trường đảo chiều đi xuống. 

Thống kê giao dịch của nhà ĐTNN(Nguồn: HOSE)