Kịch bản bất ngờ

Kịch bản bất ngờ

(ĐTCK-online) VN-Index giảm gần 16 điểm trong phiên giao dịch hôm qua (16/3), xuống còn 516 điểm là kịch bản khá bất ngờ với nhiều người. Xét trong bối cảnh chỉ số này có xu hướng tăng điểm từ đầu tháng, khi ở mốc 500 điểm, thì động thái đẩy mạnh bán ra chốt lời khiến thị trường giảm điểm cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt, VN-Index đã chạm vùng kháng cự 530 - 540 điểm.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm qua, khi tâm lý của đa số NĐT đều đang lưỡng lự giữa bán và mua thì thị trường xuất hiện nhiều tin đồn và cả những thông tin đánh giá không chính xác về một số chỉ số kinh tế vĩ mô.

Chẳng hạn như NĐT truyền tai nhau về việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị tăng lãi suất cơ bản. Theo nguồn tin của ĐTCK, gần như không có khả năng tăng lãi suất cơ bản trong điều kiện hiện nay, mà ngược lại, vấn đề lãi suất sẽ được xem xét trong điều kiện cần hỗ trợ tăng trưởng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, với lãi suất cao hiện tại, thì thật cần thiết doanh nghiệp mới vay vốn ngân hàng. Những doanh nghiệp có tiền mặt lớn đều giữ lại để đề phòng, chứ chưa mạnh dạn giải ngân vào các dự án đầu tư.

Thị trường cũng đồn đại về việc CTCK này, CTCK kia cho mượn cổ phiếu trong kho hàng tự doanh để "đánh xuống" một vài cổ phiếu.

Nhưng khó hiểu nhất với thị trường là chỉ số giá hàng tiêu dùng tháng 3 được nhiều NĐT rỉ tai nhau là tăng 0,7 - 0,9%. So sánh với các năm trước, khi mà chỉ số tăng tiêu dùng tháng 3 thường âm, không ít NĐT tỏ ra lo ngại về sự tăng của chỉ số này trong tháng 3.

Tuy nhiên, năm nay, xét trong bối cảnh hậu khủng hoảng, khi mà giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản đều đang phục hồi từ mức rất thấp, thì lạm phát tháng 3 dưới 1% được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là ổn. Chẳng hạn, mặt hàng phôi thép có lúc giảm giá dưới giá thành, tức là dưới giá sản xuất quặng luyện ra thép. Việc giá các hàng hóa nguyên vật liệu cơ bản tăng dần trở lại là thực tế hợp lý.

Theo các chuyên gia, lạm phát chỉ có thể được kiểm soát hiệu quả ở các nguyên nhân nội tại của nền kinh tế là chi tiêu công, phân bổ nguồn lực tài chính vào các khu vực kinh tế hoạt động hiệu quả, kiểm soát việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu hợp lý… Ở khía cạnh này thì Chính phủ đang có những nỗ lực để kiểm soát. Đấy là tín hiệu đáng để hy vọng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn.

Xét trong bối cảnh đó thì chứng khoán không có khả năng giảm giá mạnh. Nhưng bất kỳ sự tăng "nóng" nào cũng là bất hợp lý, cho đến khi có những kết quả rõ ràng về tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết trong vài tháng tới.

Không ít chuyên gia và CTCK tiếp tục nhận định, giá nhiều cổ phiếu hiện nay vẫn ở mức hợp lý cho đầu tư trung hạn. Vì vậy, NĐT không cần quá lo lắng khi nắm giữ những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, trừ khi "lướt sóng" bằng vốn vay.