Kích cầu, giãn cung bằng cách nào?

Kích cầu, giãn cung bằng cách nào?

(ĐTCK-online) Nỗ lực “cứu” thị trường thoát khỏi tình trạng ảm đạm bằng biện pháp “kích cầu, giãn cung” cuối cùng cũng được người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) “đánh tiếng”. Song kích cầu, kéo giãn hoặc hạn chế cung hàng trên TTCK bằng biện pháp nào cho hiệu quả và chuyên nghiệp là vấn đề cần bàn.

Trước hết, có thể nói, việc tăng cung hàng ra thị trường không phải là chủ ý của UBCK mà xuất phát từ nhu cầu của các DN cần huy động vốn cũng như để thực hiện chương trình cổ phần hóa DNNN. Các DN cần huy động vốn nếu thỏa mãn điều kiện phát hành thì UBCK phải phê duyệt, chấp thuận. Vấn đề của UBCK trong việc quản lý phát hành là việc thay đổi các điều kiện phát hành, chứ không phải cho hay không cho phát hành. Nói cách khác, trước những lịch phát hành “dày đặc” trong tương lai, UBCK có thể thay đổi các điều kiện phát hành hay đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn trong hồ sơ công bố thông tin của các DN để hạn chế cung hàng ra thị trường. Đồng thời với giải pháp này, hàng hóa được cung ứng cũng sẽ trở nên có chất lượng hơn.

Tiếp đến, chúng ta thử bàn những giải pháp mà UBCK đệ trình nhằm kích cầu thị trường. Kích cầu thị trường có nghĩa đưa một lượng vốn đổ vào thị trường. Thế nhưng, UBCK có được những công cụ gì để đưa tiền vào thị trường khi mà thực tế hiện nay cho thấy, hàng tỷ USD vốn ngoại vẫn nằm chờ đầu tư vì chưa chuyển hóa được sang đồng Việt Nam ? Chính lãnh đạo của UBCK cũng thừa nhận rằng, “việc chuyển hóa nguồn vốn này để đầu tư vào thị trường nằm ngoài khả năng của UBCK”.

Như vậy, cần khẳng định rằng, việc khơi thông dòng chảy vốn cần một sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá cũng như những giải pháp khơi thông dòng chảy vốn. Vấn đề này đã được GS. Robert Mundel đề cập trong lý thuyết “bộ ba bất khả thi” (chính sách tiền tệ độc lập, chính sách tỷ giá linh hoạt và sự luân chuyển dòng vốn). Lý thuyết này nói lên rằng, một nền kinh tế không thể đạt được 3 mục tiêu trên. Điều này cho thấy, để tăng tính luân chuyển của dòng vốn vào TTCK nhằm phát triển TTCK thì phải chấp nhận sự đánh đổi trong chính sách tiền tệ. Nói cách khác, một giải pháp kích cầu hiệu quả rất cần có một sự phối hợp tổng thể, đồng bộ của nhiều cơ quan, ban ngành, trong đó không thể thiếu vai trò của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.

Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP. HCM


Tin liên quan:

>> Giải pháp kích cầu đầu tư

>> Chờ đợi kích cầu