Trong những lúc khó khăn như hiện nay, phải tìm được tiếng nói chung giữa NH và khách hàng.

Trong những lúc khó khăn như hiện nay, phải tìm được tiếng nói chung giữa NH và khách hàng.

Lách trần lãi suất cho vay: Ai quản?

(ĐTCK-online) Chỉ sau 3 ngày quy định trần lãi suất huy động được bãi bỏ, các NH đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất đầu vào, với mức cao nhất lên đến 15,6%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng và phổ biến ở mức 14%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN, lãi suất huy động và cho vay không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản. Có nghĩa, lãi suất đầu vào và đầu ra của các NH không thể vượt qua ngưỡng 18%/năm (tức 1,5%/tháng).

Trước đây, khi lãi suất huy động vẫn được ấn định ở mức trần 12%/năm, lãi suất đầu ra của nhiều NH đã lên đến 22 - 24%/năm thì nay phải khống chế ở mức 18%/năm là điều khó thể chấp nhận với các NH.

 

Nở rộ phí

Để giải quyết bài toán này, sau khi điều chỉnh lãi suất đầu vào, các NH đang xem xét động thái của nhau để xây dựng mức phí phù hợp áp dụng trong việc cung cấp các khoản vốn vay cho khách hàng. Trong đó, một số NH đã áp phí, với mức 2 - 3%/năm để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Chẳng hạn, VietA Bank hiện đã áp dụng 4 loại phí là: phí thu xếp vốn, cấp hạn mức, quản lý hồ sơ, thẩm định tài sản, với mức bình quân 1,5 - 2,5% trên tổng hạn mức tín dụng cấp cho khách hàng. Lãi suất cho vay của VietA Bank đạt mức tương đương 20%/năm, nếu cộng cả phí dịch vụ. Trong khi đó, các khoản phí này trước đây không có NH nào áp dụng.

Cái khó của các NH hiện này là phải làm sao tuân thủ được quy định nhưng vẫn bảo đảm lợi nhuận và không để mất thị phần. Sacombank cho biết, sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay trên dưới 18%/năm. Nhưng có sự kén chọn khách hàng kỹ hơn trước, đồng thời chỉ dành vốn cho những khách hàng đã có mối quan hệ lâu năm. Nhiều khả năng, NH này cũng đưa ra mức phí áp dụng cụ thể đối với các hợp đồng tín dụng.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, trong tuần này DongA Bank tạm thời chưa thu phí đối với việc triển khai cấp thêm tín dụng. Theo ông Bình, phải xem xét động thái và mức phí mà các NH áp dụng trong cho vay như thế nào. Sau đó, DongA Bank mới đưa ra biểu phí phù hợp để tránh thiệt hại cho khách hàng và cả NH. Trong 4 ngày đầu tuần áp dụng biểu lãi suất huy động mới, tỷ lệ huy động vốn của DongA Bank luôn dương, với mức thu về bình quân khoảng 22 - 25 tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, DongA Bank sẽ rất thận trọng triển khai thêm các khoản tín dụng mới, chủ yếu cung cấp vốn cho khách hàng cũ. Do đó, việc áp dụng biểu phí để đảm bảo doanh thu theo ông Bình là không quá khó. "Trong những lúc khó khăn như hiện nay phải tìm được tiếng nói chung giữa NH và khách hàng. Nếu áp mức phí quá cao sẽ làm những người cần vốn e ngại tiếp cận NH", ông Bình nói.

Thế nhưng, theo lãnh đạo một NH cổ phần tại TP. HCM, nếu không áp dụng phí trong triển khai tín dụng chắc chắn NH bị lỗ. Ông này lý giải: "Chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay chỉ trên dưới 2%/năm thì NH không đủ để trang trải các chi phí trong hoạt động như thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, dự trữ bắt buộc… Do đó, các NH buộc phải cho vay với lãi suất bình quân khoảng 20 - 21%/năm. Trong đó, đã bao gồm các khoản phụ phí mới phát sinh sau khi trần lãi suất được bãi bỏ". NH ông cũng đã đưa ra mức phí khoảng 2,5%/năm, cộng vào lãi suất cho vay, lên khoảng 20,5%/năm để đảm bảo lợi nhuận.

 

Thiếu chế tài?

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank cho biết, NH sẽ chỉ áp dụng mức phí tương đối mềm, khoảng 1%/năm trong các hợp đồng tín dụng, như vậy lãi suất đầu ra của VP Bank là 19%/năm. Thế nhưng, VP Bank không triển khai các khoản tín dụng mới trong thời điểm hiện nay, một phần do nguồn vốn vào NH vẫn hạn chế. Theo ông Sơn, việc áp phí phụ thu trong cung cấp tín dụng là để giải quyết khó khăn cho NH. Điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến của thị trường. NH vẫn tuân thủ các quy định của NHNN, nhưng lại khống chế được lãi suất đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, không phải vì thế mà NH lại đua nhau nâng phí, ảnh hưởng đến người vay vốn.

Phó tổng giám đốc Eximbank Đào Hồng Châu cũng thừa nhận, nếu không áp các khoản phí phụ thu trong cho vay thì NH sẽ khó khăn, vì lãi suất huy động đã tăng cao. Theo ông Châu, trên thực tế khi lãi suất huy động đụng trần 12%/năm trong 4 tháng đầu năm (đã cao hơn khoảng 2,5%/năm so với năm 2007), vốn nhàn rỗi vào NH vẫn rất ít, nguồn tiền chỉ dịch chuyển từ NH này sang NH khác nên quả bóng lãi suất nhanh chóng phình to khi quy định trần được dỡ bỏ. Nhưng nếu không tính toán kỹ trong việc chạy đua tăng lãi suất, hậu quả sẽ khó lường. Chính vì vậy, khi lãi suất cho vay bị khống chế bằng 150% mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố hiện tại là 12%/năm, buộc các NH phải đưa ra các biểu phí mới trong cung cấp tín dụng.

Theo một cán bộ cấp cao ngành NH, hiện chưa có quy định nào làm cơ sở thanh tra việc các NH áp dụng phí trong quá trình cấp tín dụng. Các khoản phụ phí mà NH đang tận thu với người vay vốn hoàn toàn không phạm luật. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, các NH được tự do áp dụng với bất kỳ mức phí nào. Hiện NHNN đã xây dựng một dự thảo về quy định phí phù hợp để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn cũng như NH trong quá trình hoạt động. Đồng thời, NHNN sẽ đưa ra quy định xử phạt để hạn chế tình trạng NH áp phí cao khi cung cấp tín dụng, ảnh hưởng đến những người vay vốn. Dự kiến, quy định này sẽ được ban hành trong thời gian tới.